Sự cố sạt trượt đã làm thân đập xuất hiện nhiều vết nứt, gãy.
Nguyên nhân được xác định là do khối trượt trên sườn đồi hướng vào công trình đầu mối. Khối trượt này nằm cách vai phải công trình khoảng 250m. Chính lực tác động này là nguyên nhân chính làm biến dạng và hư hỏng một phần kết cấu bê tông và phần đất đắp của đập, dẫn tới sự cố sạt trượt, biến dạng hồ chứa nước Đắk N'ting.
Một nguyên nhân nữa là do mưa lớn, liên tục, kéo dài vào thời điểm tháng 7 - 8/2023 cùng với việc người dân canh tác, đào đắp đất theo phương thức rãnh, mương bên vai phải thân đập đã gia tăng áp lực nước ngầm và đẩy nhanh quá trình sạt lở, sạt trượt.
Trước mắt, ngành chức năng khuyến cáo giữ nguyên hiện trạng công trình, duy trì mực nước ở mức thấp nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân công trình và khu vực hạ du. Về lâu dài, cần xử lý đập đất, bê tông mặt đập, tràn xả lũ và các hạng mục liên qua theo các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Thêm nữa, để đảm bảo an toàn công trình, cần mở rộng xử lý ra ngoài phạm vi công trình, như gia cố mái dốc, xử lý hệ thống thoát nước… Dự kiến, tổng kinh phí cho việc khắc phục hơn 23 tỷ đồng.
Dự án Hồ chứa nước Đắk N'ting có tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng. Đây là hồ chứa nước có diện tích lưu vực lớn (hơn 49 km2) và dung tích hồ chỉ hơn 2,3 triệu m2. Mục tiêu của dự án là tạo nguồn nước tưới cho 680ha cây trồng, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân.
Đầu tháng 8/2023, tại khu vực dự án xảy ra sự cố sạt trượt khiến thân đập xuất hiện nhiều vết nứt, gãy, nhiều vị trí trên cầu qua tràn bằng bê tông bị xô lệch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!