Tìm lời giải cho bài toán tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 07/10/2024 06:10 GMT+7

VTV.vn - Việc tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, xây dựng các quy định và các tiêu chuẩn cụ thể.

Ngay sau những vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, được sự quan tâm của Đảng và nhà nước, nhiều khu dân cư tái thiết đã được khởi công. Việc có một mái nhà ngay sau thảm họa là rất cần thiết để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất của các tỉnh miền núi Tây Bắc eo hẹp, sạt lở đất ngày càng diễn ra nhiều hơn, việc tái thiết không thể triển khai nhỏ lẻ, cục bộ cho từng vụ việc.

Cho đến thời điểm này, những vụ sạt lở đất mới vẫn liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông. Thời tiết mưa nhiều, khiến cho năm nay sạt lở đất và lũ quét có những diễn biến bất thường và nghiêm trọng. Song song với công tác ứng phó với sạt lở đất, lũ quét theo từng vụ việc tại nhiều địa phương, việc xây dựng lại nhà ở cho người dân sau thiên tai cũng đang được triển khai tích cực. Hai khu vực bị sạt lở nghiêm trọng của tỉnh Lào Cai là thôn Kho Vàng và làng Nủ đều đang được triển khai.

"Dựa trên thực tế khi các nhà khoa học khảo sát tại các địa phương vùng núi phía Bắc, địa hình và địa chất ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng, việc lựa chọn được khu để tái định cư an toàn, lâu dài cho người dân khi gặp thiên tai bao giờ cũng gặp những khó khăn nhất định. Việc chọn được diện tích và xác định được quy mô hộ dân, phụ thuộc vào quy mô di dân dự kiến. Trong quá trình khảo sát, thiết kế, phải tiến hành theo quy định hiện hành về xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, phải hết sức chú ý đến tác động của các yếu tố xung quanh, ví dụ như các hiện tượng thiên tai, hoạt động của các dòng chảy sông suối ở trong khu vực và cần có thêm các giải pháp công trình, đặc biệt là giải pháp thoát nước. Trong một số trường hợp cần thiết cho các khu tập trung đông dân cư, chúng ta hoàn toàn có thể định cư quy mô cấp thôn và một vài thôn, khoảng gần 100 hộ dân", Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Tìm lời giải cho bài toán tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 1.

Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Minh Đức, Khoa Địa chất, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ về những vấn đề trong việc tái định cư cho người dân sau thiên tai tại khu vực vùng núi phía Bắc

Theo GS Đỗ Minh Đức, khi tái định cư cho người dân, phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó có 2 vấn đề rất quan trọng là kinh phí tái định cư và khu vực tái định cư phải đảm bảo sinh kế cho người dân. Ví dụ 10 – 15 hộ dân hay thậm chí ít hơn, công sức, chi phí bỏ ra rất tốn kém. Nếu có giải pháp quy hoạch trước, xây dựng các khu tái định cư quy mô rộng lớn hơn và đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo bền vững, lâu dài, sẽ tái định cư được nhiều hộ dân hơn và hiệu quả lâu dài hơn.

Tìm lời giải cho bài toán tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 2.

Lực lượng công an hỗ trợ dựng nhà cho người dân vùng thiên tai

"Thực tế, chúng tôi đã tham quan một số khu vực, việc tái định cư sau thiên tai, yếu tố an toàn sẽ được đặt lên hàng đầu. Thứ hai, sau khi tái định cư, phải đảm bảo cho người dân vẫn phát huy được sinh kế, văn hóa, tập quán của họ. Trong nhiều trường hợp, phải cân nhắc giữa một số tiêu chí khác nhau. Ví dụ: để đảm bảo an toàn cho các khu tái định cư, độ cao, địa hình phải ở trên mức tác động của dòng chảy hiện tại khu vực đó, sạt lở, lũ quét trong khu vực ít xảy ra hoặc chưa xảy ra. Tuy nhiên, việc chọn được khu vực đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí trên, gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi khuyến cáo, khi xây dựng các khu tái định cư, chính quyền, người dân địa phương nên có sự tham vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp, đặc biệt quan tâm đến vấn đề độ cao, địa hình, diện tích mặt bằng dự kiến san lấp. Ví dụ trong cùng một khu vực, nếu chúng ta san lấp trên diện tích quá rộng, vô tình chung lại tạo ra một khu vực có nguy cơ sạt lở mới", GS Đỗ Minh Đức cho biết thêm.

Tìm lời giải cho bài toán tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 3.

Dự án tái định cư thôn Làng Nủ thiết kế nhà ở theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày cùng các công trình phụ trợ, nhà văn hóa, trường học

GS Đỗ Minh Đức đánh giá, khu dân cư sống cạnh con suối là hình ảnh rất quen thuộc và phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn, ẩn họa trong hình ảnh này. Những con suối ở miền núi thường phát triển xâm thực đứng, tức dòng chảy suối phải thẳng. Tuy nhiên, con suối ở đây trong một đoạn ngắn lại quanh co đến hai lần, như vậy, trong lịch sử hình thành con suối này đã rất nhiều lần đất dốc ở hai bên bị sạt xuống, chắn ngang dòng chảy và làm cho con suối bắt buộc phải chuyển dòng. Như vậy, khu vực này trong quá khứ đã từng xảy ra khối trượt lớn và trong tương lai cũng không có gì chắc chắn sự việc này sẽ không lặp lại, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Thứ hai, rất nhiều hộ dân ở quá sát dòng sông, suối ở mức độ cao, địa hình tương đối so với lòng suối là không đáng kể. Khi dòng suối có lũ lớn hoặc bị nghẽn dòng, sẽ dẫn đến hiện tượng phá hủy đập chắn tạm thời, khiến toàn bộ hộ dân ở vùng đất thấp hoàn toàn có thể bị vùi lấp và sẽ gây ra thảm họa đáng tiếc.

Tìm lời giải cho bài toán tái định cư sau thiên tai ở vùng núi phía Bắc - Ảnh 4.

Khu dân cư sống cạnh con suối là hình ảnh rất quen thuộc và phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc

GS Đỗ Minh Đức khẳng định, cần phải có một bộ quy trình, quy phạm từ bước khảo sát, thiết kế, thi công và vận hành cũng như duy trì sự ổn định của các công trình hạ tầng, trong đó, có nhà cửa, đường giao thông và các loại hạ tầng khác trên các vùng đất dốc có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Theo kinh nghiệm của các nước phát triển, từ khi họ xây dựng được bộ tiêu chuẩn, thiệt hại do thiên tai gây ra đã giảm đáng kể. Hy vọng trong thời gian sớm nhất, các bộ, ngành sớm đưa ra những quy định và hoàn thiện các quy định hiện hành để đảm bảo quy trình thống nhất, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ trên các vùng đất dốc.

"Việc trồng lại rừng, phục hồi rừng sau thiên tai cần phải hiểu đúng, chúng tôi cũng có được thông tin về việc nhiều loại rừng trồng lại là nguyên nhân gây ra thêm sạt lở tại khu vực đó. Nhiều vùng đất dốc phát triển rừng sản xuất, tức là trong thời gian ngắn lại tiến hành khai thác. Ví dụ cây keo có chu kỳ khai thác khoảng sau 35 năm, có thể mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn. Nhưng thực tế, hình thức trồng và khai thác cây keo lai như hiện nay làm ảnh hưởng lớn đến việc ổn định mái dốc. Đặc biệt, ảnh hưởng theo khía cạnh tiêu cực, gây ra khối trượt quy mô lớn, tạo điều kiện phát triển những khe nứt sâu, rộng ngay cả trên địa hình có độ dốc không cao", GS Đỗ Minh Đức chia sẻ.

GS Đỗ Minh Đức nhấn mạnh, để tái thiết được khu vực dân cư an toàn sau thiên tai, cần có sự vào cuộc của rất nhiều bên, từ trồng rừng, xây nhà, cảnh báo thiên tai. Trước hết, phải có bộ quy trình, quy phạm hoặc có các hướng dẫn chi tiết, cụ thể, những điều kiện, tiêu chuẩn để lựa chọn và cách thức tiến hành xây dựng các khu tái định cư. Cần kết hợp các bộ, ngành về phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm và phải gắn kết ngay từ bước quy hoạch ban đầu để đảm bảo khi các khu vực tái định cư được xây dựng, người dân phát triển được sinh kế. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai bản đồ khoanh định các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để có thể khoanh định chính xác và cụ thể những khu vực có nguy cơ, từ đó, đề ra những giải pháp, chiến lược lâu dài.

Sau vụ sạt lở đất và lũ quét nghiêm trọng ở xã Trà Leng, tỉnh Quảng Nam vào năm 2020, Chính phủ đã đẩy nhanh việc xây dựng đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam. Đến cuối năm 2023, đề án đã được phê duyệt và bắt đầu được triển khai thực hiện với mục tiêu: Đến năm 2025 hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét với tỉ lệ 1:50.000, hiển thị trên nền thông tin địa lý với tỷ lệ 1:25.000 cho 37 tỉnh miền núi và trung du; tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất và lũ quét. Đến nay, thời hạn cho đề án chưa tới mà những vụ sạt lở đã diễn ra với tần suất ngày một nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước