Không ít trường hợp đã bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đi làm việc tại Hàn Quốc. Tuy nhiên sau 2 năm chờ đợi, công việc vẫn bặt vô âm tín, công ty môi giới đóng cửa, còn người nhận tiền không thể liên lạc được.
Để giúp người lao động tránh rơi vào tình cảnh "tiền mất mà việc chẳng thấy đâu", nhóm phóng viên VTV đã tìm hiểu thực trạng này và có những cảnh báo cụ thể.
Đợi từ tháng này sang tháng khác, không thấy được gọi đi xuất khẩu lao động, anh Tuấn Anh từ Nghệ An đã ra Hà Nội làm thuê. Công việc này không đều nhưng ngày nào có việc, tiền công từ 300.000 - 500.000 đồng.
Trước đó, từ giới thiệu của 1 người bạn, anh nộp 2.000 USD đặt cọc, tương đương hơn 51 triệu đồng ở thời điểm đó, chuyển khoản vào tài khoản mang tên Nghiêm Tiến Lịch vào tháng 4/2024.
Anh Hoàng Tuấn Anh (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Không cần học tiếng, không cần biết công ty bên Hàn Quốc nhận là ai, không hợp đồng, chỉ có 1 tờ giấy nhận biên nhận tiền viết tay.
Anh Vũ Văn Thức cũng là một trong những nạn nhân. Anh hơn 50 tuổi, một lái xe tại thành phố Hải Phòng đã đặt cọc cho đối tượng gần 100 triệu đồng.
Anh có con đang đi học bên Hàn Quốc nên muốn sang lao động kiếm tiền nuôi con. Từ 1 người quen giới thiệu, anh đến địa chỉ công ty tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội.
"Người ta bảo đi theo con đường bất hợp pháp anh có đi không, với 400 triệu đồng thì 1 tuần sau đi ngay. Còn nếu đi theo con đường qua công ty thì khoảng 21.000 - 22.000 USD. Mong muốn được đi nên không hỏi kỹ", anh Vũ Văn Thức (quận An Dương, TP Hải Phòng) chia sẻ.
Phiếu thu nộp tiền của người lao động không có thông tin công ty, chỉ có chữ ký người nộp tiền và người nhận là Nghiêm Tiến Lịch. Điều khiến người dân tin đó là họ được đưa về tòa nhà 7 tầng, được giới thiệu là trụ sở công ty, còn người tên Ngiêm Tiến Lịch là người của công ty.
Công ty thường xuyên trong tình trạng đóng cửa. Bên trong có 1 giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài của Công ty TNHH 1 thành viên Dịch vụ và Thương mại VCCI, đại diện pháp luật Giám đốc công ty là Nghiêm Tiến Lịch.
Theo chính quyền phường Yên Nghĩa, công ty khi đến phường không báo cáo bất cứ thông tin nào về hoạt động, thời gian gần đây công ty không còn hoạt động.
Kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay, ban đầu những tin nhắn hứa hẹn, sau gọi không nghe máy, và cuối cùng tất cả tài khoản mạng xã hội, số điện thoại của người nhận tiền đều ngừng hoạt động.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giấy phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài đã không còn hiệu lực từ 16/8/2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!