Thực hiện chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo tại các địa phương tăng gấp đôi, gấp ba

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 11/01/2021 21:31 GMT+7

VTV.vn - Chuẩn nghèo được nâng lên nghĩa là số hộ nghèo cũng sẽ gia tăng và nguồn lực giành cho công tác giảm nghèo cũng sẽ tăng tương ứng.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã 7 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia. Và chuẩn nghèo thứ 8 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý đã nâng từ 700.000 đồng/người lên 1,5 triệu đồng/người ở khu vực nông thôn và từ 900.000 đồng/người lên 2 triệu đồng/người ở khu vực thành thị.

Nếu như chuẩn nghèo trước đây chỉ đạt mức 45% mức sống tối thiểu thì chuẩn nghèo mới này sẽ tiếp cận gần bằng mức sống tối thiểu. Đây có phải là áp lực cho các địa phương khi thực hiện chuẩn nghèo mới với số hộ nghèo tăng vọt và nhiều gia đình vừa thoát nghèo lại quay trở lại danh sách hộ nghèo?

Thực hiện chuẩn nghèo mới, số hộ nghèo tại các địa phương tăng gấp đôi, gấp ba - Ảnh 1.

Nhiều hộ dù ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn khó khăn như trước

Nhiều hộ dù ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cuộc sống vẫn khó khăn như trước và không được tiếp tục nhận ưu đãi hỗ trợ để thoát nghèo thực sự.

Theo chuẩn nghèo mới, ước tính tỷ lệ nghèo tại các địa phương đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với cuối năm 2020. Như tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có thêm 15.000 hộ nghèo, đây là sức ép cho địa phương bởi giảm nghèo là cả 1 quá trình và phải tập trung nguồn lực nhiều hơn.

Thực tế cho thấy, khái niệm nghèo chỉ là tương đối, có thể thay đổi theo từng giai đoạn và bối cảnh xã hội. Chuẩn nghèo chỉ là tiêu chí đánh giá, quan trọng cần có nguồn lực hỗ trợ để thoát nghèo hiệu quả, bền vững; tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo. Qua đó, nâng cao ý thức tự lực cánh sinh để thoát nghèo.

Chuẩn nghèo được nâng lên nghĩa là số hộ nghèo cũng sẽ gia tăng và nguồn lực giành cho công tác giảm nghèo cũng sẽ tăng tương ứng.

Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2021 - 2025, ước tính tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khoảng 9,3%, tương ứng 2,5 triệu hộ với 10 triệu khẩu. Ước tính khi thực hiện chuẩn nghèo mới, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạt 78,3% so với giai đoạn 2016 - 2020; ngân sách chi để thực hiện các chính sách giảm nghèo bình quân là 25.000 tỷ đồng/năm. Và khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì ngân sách sẽ phải chi phí nhiều hơn so với giai đoạn trước khá nhiều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước