Thúc đẩy đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại châu Âu

PV-Thứ hai, ngày 14/10/2024 12:52 GMT+7

VTV.vn - Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội thảo thúc đẩy hợp tác lao động Việt Nam - Châu Âu.

Việt Nam và Liên minh châu Âu có quan hệ hợp tác phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện, trong đó có lĩnh vực hợp tác lao động. Hiện nay, các nước thuộc Liên minh châu Âu có nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực do già hóa dân số, chủ yếu ở các ngành cơ khí, đóng tàu, ô tô, y tế, dịch vụ nhà hàng khách sạn, nông nghiệp. Việt Nam là nước có nguồn lao động dồi dào, có trình độ và kỹ năng nghề. 6 quốc gia đang cần nhiều lao động từ Việt Nam là Đức, Hy Lạp, Phần Lan, Rumania, Hungary và Ba Lan với nhu cầu khoảng 50.000 lao động mỗi năm.

Thúc đẩy đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại châu Âu - Ảnh 1.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra một bức tranh tổng quan về thực trạng hợp tác lao động giữa Việt Nam với các nước châu Âu, qua đó nắm bắt cơ hội và thách thức đối với từng thị trường và tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác cũng như định vị lĩnh vực hợp tác lao động trong tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và từng đối tác châu Âu.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh, thị trường khu vực châu Âu là thị trường trọng điểm, có nhiều tiềm năng như thu nhập cao, môi trường an ninh, chính trị, xã hội ổn định, quan hệ tốt đẹp với Việt Nam; khẳng định chủ trương đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài nhằm phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ tay nghề cho lao động Việt Nam.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, đại diện Đại sứ quán các nước châu Âu tại Hà Nội nhất trí cho rằng châu Âu có có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động lành nghề Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để đảm bảo chất lượng nguồn cung, có chính sách lương bổng ổn định cùng nhiều thuận lợi về chính sách lao động.

Các doanh nghiệp cung ứng nhân lực đánh giá hợp tác lao động với châu Âu gặp một số khó khăn như chưa có đầy đủ thông tin về thị trường lao động châu Âu, chuyên môn, kỹ năng của lao động Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn cao về lao động của các nước châu Âu, cách biệt về địa lý, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa, sự cạnh tranh gay gắt về nguồn cung ứng lao động từ các quốc gia khác.

Các Đại sứ quán Việt Nam tại châu Âu đánh giá sự cần thiết thúc đẩy việc ký thỏa thuận về lao động giữa các cơ quan chức năng hai nước để tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác. Hiện mới có Đức và Romania đã có thỏa thuận trong khi các quốc gia khác trong khu vực, hoặc chưa có hợp tác hoặc hợp tác dừng lại ở mức hợp đồng nhỏ lẻ giữa các doanh nghiệp hai nước mà chưa được quy định cụ thể ở cấp cơ quan chức năng.

Trên tinh thần "lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ", với phương châm cầu thị, Hội thảo đã lắng nghe chia sẻ của các bộ, ngành, các đại sứ quán Việt Nam, đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam và doanh nghiệp đào tạo và cung ứng nhân lực nhằm có cách tiếp cận mới để nâng cao hiệu quả công tác đưa người Việt Nam đi lao động ở châu Âu cũng như thúc đẩy mảng hợp tác này trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước khu vực châu Âu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước