Thu nhập bình quân của người lao động tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ 2021

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 28/10/2022 10:58 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cùng với các chính sách an sinh xã hội, cuộc sống của nguời lao động đã dần trở lại bình thường.

Thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, chăm lo gia đình

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần khẩn trương hoàn thành giải ngân theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Trong 9 tháng qua, mới giải ngân được 20%. Đồng thời, có Nghị quyết cải cách tiền lương và thu nhập của cán bộ, công viên chức theo nguyên tắc lương, thu nhập phải đủ để người lao động tái sản xuất, mở rộng sức lao động, chăm lo một phần cho gia đình. Lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày ba bữa cơm, mỗi năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ 2021 - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị ưu tiên quan tâm đến hai ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp, các đối tượng thu nhập cao hơn thì tăng chậm và ít hơn và để chia sẻ khó khăn chung và tiến tới ban hành Luật về lương tối thiểu.

Trước đó, đại biểu Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang) đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời thực hiện đồng bộ và quyết tâm cao với nhiều giải pháp hiệu quả, nhằm ổn định tình hình phát triển đất nước, kinh tế - xã hội có sự phát triển tích cực, nhiều dấu ấn nổi bật, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân lao động từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất, nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.

Đại biểu đề nghị phải quyết tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư, các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung, như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo và cơ sở giáo dục phổ thông.

Đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho trên 56 triệu lao động

Làm rõ về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các chính sách an sinh xã hội thực hiện thời gian qua đã được thể hiện rất cụ thể.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ 2021 - Ảnh 2.

Cùng với những thành tựu về kinh tế, thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương, các lĩnh vực an sinh xã hội của chúng ta đã được được triển khai kịp thời, thiết thực và hiệu quả.

Các chính sách ưu đãi đối với người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế, người nghèo đều được quan tâm thông qua việc Nhà nước ban hành các chính sách, các thể chế về vấn đề này và có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội. Chúng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chăm sóc, hỗ trợ người dân, người cao tuổi, phụ nữ sinh con và trẻ em bị tác động bởi đại dịch COVID-19, nhất là trẻ em mồ côi.

Bộ trưởng cho biết, đến nay đã hỗ trợ 87.000 tỷ đồng cho trên 56 triệu lao động và 730.000 người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

"Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Các nước thông thường phát đại trà trong khi chúng ta đối tượng đa dạng, kinh phí phải triển khai nhanh… Chính những chính sách này góp phần quan trọng để ổn định lòng dân, thu hút người lao động yên tâm làm việc, góp phần quan trọng vào phục hồi kinh tế ngày hôm nay" - trưởng ngành lao động nhấn mạnh.

Khẳng định đời sống nhân dân đã được cải thiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra con số của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân người lao động trong quý 3 đạt 6,7 triệu đồng/tháng, tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khu vực dịch vụ bình quân đạt trên 8 triệu đồng. Điều này cho thấy cuộc sống của người lao động đã dần trở lại bình thường.

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định đã có chuyển biến tích cực hơn về cả quy mô lẫn chất lượng. Người học nghề tăng lên, nhận thức xã hội của gia đình, của người học có chuyển biến, đào tạo chất lượng cao được chú trọng hơn. Điều đáng mừng là kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam được tăng cường, tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành nghề, trình độ đào tạo được tăng lên, lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh và chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nhất là các lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thừa nhận, nhìn chung về công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững của chúng ta còn nhiều thách thức.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước