Thời tiết xấu do áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung lên phương án ứng phó

PV-Thứ hai, ngày 15/07/2024 08:33 GMT+7

VTV.vn - Cùng với mưa lớn, nhiều vùng biển có thời tiết xấu do áp thấp nhiệt đới. Để chủ động ứng phó, nhiều địa phương ven biển đã lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ sớm.

Ngày 14/7, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng phát công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và mưa lớn.

Thời tiết xấu do áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung lên phương án ứng phó - Ảnh 1.

Tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Diễn Ngọc, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An). (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP chủ động thực hiện việc quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi; đồng thời, giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển và tàu thuyền nhỏ đang hoạt động ven bờ để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.

Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, ngập đô thị, lũ quét và sạt lở đất, sơ tán dân đặc biệt ở những khu vực thấp trũng…; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm "4 tại chỗ"; vận động người dân vùng ngập chủ động kê cao tài sản, khơi thông, cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, kịp thời chỉ đạo, triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".

UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển.

Cùng đó, UBND tỉnh đề nghị quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý đối với khu vực sạt lở có nguy cơ cao như thôn 1 Thanh Long, thôn 3 Thanh Long, Tiểu khu 4 và tổ dân phố 3, Thị trấn Quy Đạt; thôn Liên Sơn, bản Đá Chát, Thượng Sơn, xã Trường Sơn; công trường thi công đường dây 500KV Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đoạn qua Quảng Bình...).

Đồng thời, UBND các huyện, thành phố, thị xã bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, khu vực có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; chủ động các phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất vụ Hè Thu; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở cập nhật về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lớn để người dân biết, chủ động phòng tránh và ứng phó.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ;

Đồng thời, tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ động đảm bảo an toàn tàu thuyền (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch,...); đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản, tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tại Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cho biết, lúc 15h ngày 14/7, có 266 tàu đánh cá của tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện ven biển, thị xã Hoài Nhơn và thành phố Quy Nhơn đã phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Đồng thời địa phương cũng chuẩn bị công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới.

Trước đó từ chiều 14/7, Thừa Thiên Huế đã cấm tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, bao gồm cả tàu bãi ngang và thuyền du lịch.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây ngập úng cục bộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, Cảng vụ Hàng hải tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh, Đài Thông tin duyên hải Huế tăng cường thời lượng thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn ngư dân neo đậu phương tiện đảm bảo an toàn.

Sở Du lịch chỉ đạo các cơ sở dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí ven biển, sông suối có phương án đảm bảo an toàn cho du khách.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình xây dựng, thủy lợi, giao thông, đặc biệt là dự án xây dựng cầu cửa biển Thuận An, đê chắn sóng Cảng Chân Mây… kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động, phương tiện thiết bị máy móc.

Để hạn chế thiệt hại do mưa lớn gây ra đối với sản xuất vụ Hè Thu 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai phương án bảo vệ cây trồng, huy động mọi nguồn lực, vật lực để tiêu úng kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lớn có thể xảy ra, nhất là với 25.324 ha diện tích lúa trong đó 3.000 ha lúa trổ.

Áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển Trung Bộ Áp thấp nhiệt đới đi vào vùng biển Trung Bộ

VTV.vn - Sáng sớm nay (15/7), áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía Tây Nam huyện đảo Hoàng Sa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước