Nhọc nhằn tìm bãi đỗ xe khi vào viện
Thiếu điểm trông giữ xe tại các bệnh viện là vấn đề tồn tại từ lâu và càng trở nên cấp thiết do phương tiện cá nhân tại đô thị như Hà Nội ngày càng tăng. Trong khi tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông và đặc biệt là giao thông tĩnh không tương xứng. Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội đạt tỷ lệ từ 3 - 4%. Tuy nhiên, hiện chỉ tiêu này mới chỉ đạt dưới 1%. Điều này gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là đối với bệnh nhân và người nhà của họ khi loay hoay tìm điểm đỗ xe gần bệnh viện. Chưa tìm ra giải pháp khả dĩ, "bệnh" thiếu điểm đỗ xe tại các bệnh viện đang ngày càng trầm trọng.
Khi bệnh viện từ chối nhận trông xe cũng là lúc nhiều người loay hoay tìm chỗ đỗ. Anh Nguyễn Văn Vinh , huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Đi đến các bệnh viện cũng mất rất nhiều thời gian. Có thể là đậu xe từ sáng đến chiều tối mất vài trăm nghìn tiền đậu xe. Rất là khổ nếu không có bãi đậu xe trong bệnh viện".
Mỗi ngày tại các bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận hàng chục nghìn lượt phương tiện ra vào, nhưng ngặt nỗi, cầu cao nhưng cung ít. Rất nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận trông xe vì nhiều lý do.
Mỗi cơ sở y tế sẽ có định hướng phát triển khác nhau nhưng để quy hoạch được các bãi xe trong viện thì cần có quỹ đất, có lộ trình, chiến lược. Dù chỉ đáp ứng được 1 phần nhu cầu gửi xe nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn bố trí 14 điểm đỗ xe trong bệnh viện với sức chứa khoảng chục nghìn phương tiện.
ThS. Vũ Trí Tiến - Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Thừa chỗ nào là chúng tôi bố trí đỗ xe. Chắc chắn là không đáp ứng được 100% trong giờ cao điểm nhưng làm thế nào tối đa nhất. Bây giờ đầu tư hệ thống bãi xe vẫn còn đang khó khăn, chưa triển khai được".
Bệnh viện Bạch Mai bố trí 14 điểm đỗ xe trong bệnh viện
Để xây dựng các bãi xe thông minh trong bệnh viện vẫn còn là bài toán nan giải. Hiện rất ít các cơ sở y tế bố trí đủ khu vực trông giữ xe, có nơi chỉ đáp ứng được phương tiện của cán bộ, nhân viên. Do đó, các cơ sở y tế đã đưa ra một số giải pháp nhằm hỗ trợ người bệnh như đưa đón bệnh nhân bằng xe điện, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân.
Bát nháo các bãi xe quanh bệnh viện
Dĩ nhiên việc thiếu bãi đỗ xe không thể nào trách các bệnh viện, bởi quỹ đất dành cho họ vốn chỉ có vậy. Và chính vì phương tiện cá nhân vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn, bệnh nhân lại đổ về tuyến cuối quá đông, nên việc thiếu chỗ để xe là tất yếu. Thế nhưng, có cầu ắt vẫn sẽ có cung. Chỉ là nguồn cung sẽ tự phát và chơi theo luật riêng của họ.
Trước thực trạng thiếu bãi đỗ xe tại các bệnh viện, dịch vụ thu phí trông xe tự phát ở bên ngoài viện được dịp nở rộ với đủ chiêu trò chèo kéo, thậm chí dọa nạt.
Bước chân vào viện, vài phút bước ra, số tiền phải trả cho một lượt xe máy là 20.000 đồng. Món hời kiếm dễ, hàng loạt "cò xe" hoạt động tấp nập vào các khung giờ cao điểm trên các tuyến phố quanh Bệnh viện Mắt Trung ương. Để tiếp cận, các "cò" tràn xuống cả lòng đường vẫy khách.
"Đục nước béo cò", chỉ trong khoảng 2 tiếng đầu giờ sáng, có tới hàng nghìn lượt xe vào bệnh viện, các "cò" chực chờ, sẵn sàng đeo bám "vợt" khách.
Vỉa hè, lòng đường bỗng chốc trở thành mảnh đất béo bở cho "cò mồi" xâu xé. Thậm chí, họ ngang nhiên đặt biển trông giữ phương tiện, thu tiền bến bãi ngay trên đại lộ. Nếu không thỏa hiệp, lập tức sẽ bị đe dọa.
Ngang nhiên đặt biển trông giữ phương tiện, thu tiền bến bãi ngay trên đại lộ.
Lo sợ, nhiều người đành chấp nhận "nộp tiền" cho các cò mồi. Thế nhưng, nếu đi ít, chấp nhận đóng tiền một lần thì đã đành. Đằng này, ra vào mỗi ngày trên dưới chục lần thì số tiền mà tài xế (trong hình ảnh dưới đây) phải chi lên tới cả trăm nghìn.
"Một ngày tôi đỗ xe vào viện không biết bao nhiêu lần, mỗi lần mất 50.000 đồng. Đỗ chỗ nào cũng mất tiền, không trả thì người ta dọa dẫm này kia nên lại phải nộp tiền" - một người đàn ông cho biết.
Không có sự lựa chọn vì chẳng có có cách nào khác, tận dụng từng li từng tí đến nỗi, bãi xe tự phát trải dài lấp cả điểm chờ xe buýt.
Sự hấp dẫn về lợi nhuận đã khiến các "cò mồi" ra sức lôi kéo người bệnh để trục lợi, gây nên tình trạng lộn xộn quanh các cổng bệnh viện.
Khó khăn xử lý các dịch vụ thu phí gửi xe tự phát
Thực tế, chẳng ai muốn giao phương tiện cho các đối tượng cò mồi trông giữ vì vừa đắt, vừa chẳng có bất kỳ ràng buộc, cam kết nào về sự an toàn cho chiếc xe của mình, nhưng nhiều người vẫn đành " tặc lưỡi" cho qua, vì cho rằng vào viện cũng chỉ chốc lát. Các điểm trông giữ xe tự phát không chỉ thu tiền của hàng nghìn phương tiện mỗi ngày, bòn rút từ túi người đến thăm bệnh, mà còn gây mất an ninh trật tự, tạo cảnh nhếch nhác lộn xộn xung quanh bệnh viện. Một thực trạng hiện hữu ai cũng biết, nhưng đến khi chính quyền địa phương xử lý thì lại luôn gặp khó.
Biển cấm thu tiền trông giữ xe trái phép được đặt ngay trước cổng viện nhưng chẳng ai bận tâm. Cả bến bãi tự phát lẫn bãi xe được cấp phép đều thu chung một mức giá đắt đỏ.
Theo quy định, với điểm trông giữ xe được cấp phép có giá niêm yết gần 5.000 đồng/lượt/ ban ngày. Tuy nhiên, khi giao vé cho khách thì lại là loại vé khác. Người trông giữ xe tự cho mình quyền thu phí gửi xe cao vì lý do phát sinh như 7-8 giờ tối mới lấy xe...
Ngay sau khi lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất, các trường hợp vi phạm về lỗi thu quá giá và lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đều bị lập biên bản xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do mức xử phạt chỉ từ 2-5 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe. Rất nhiều vi phạm tái diễn ngay khi vắng lực lượng chức năng.
Hầu hết, các bệnh viện lớn đều được đầu tư xây dựng đã lâu, thiếu quy hoạch bãi đỗ xe, hoặc quy mô sức chứa không đáp ứng được số lượng thực tế. Các bệnh viện thường nằm trong các khu dân cư, có mật độ dân số cao hoặc tiếp giáp các trục đường giao thông lớn nên nhu cầu chỗ đỗ xe trở nên quá tải. Để khắc phục những hạn chế này, cần phải có giải pháp tổng thể để tháo gỡ những nút thắt về quy hoạch giao thông tĩnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!