“Thiệt đơn thiệt kép” khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 17/10/2023 19:33 GMT+7

VTV.vn - Về lâu dài, việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần ảnh hưởng đến an sinh xã hội khi số người không có lương hưu tăng sẽ tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chính phủ đã hoàn thiện tờ trình về 2 phương án quy định việc rút bảo hiểm xã hội một lần gửi Quốc hội trước kỳ họp thứ 6. Phương án 1, với những người hiện đã tham gia bảo hiểm xã hội cứ nghỉ việc sau 1 năm mà có nhu cầu sẽ được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng nếu bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2025 sẽ không được rút. Phương án 2, chỉ được rút tối đa một nửa tổng thời gian đã đóng, còn lại bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng chế độ. Những trường hợp đặc biệt sẽ có quy định riêng.

Theo cơ quan soạn thảo, mỗi phương án đều có điểm mạnh và chưa mạnh đối với mục tiêu khuyến khích người lao động ở lại với bảo hiểm xã hội đồng thời hài hòa trong giải quyết quyền lợi trước mắt của người lao động với chính sách an sinh xã hội lâu dài. 

Tuy nhiên, khi biết thông tin về các phương án hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần có thể thay đổi, nhiều người lao động đã không suy nghĩ nhiều về hậu quả, vội vàng xin nghỉ việc để kịp rút bảo hiểm xã hội 1 lần trước thời điểm tháng 7/2025 khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực.

“Thiệt đơn thiệt kép” khi rút bảo hiểm xã hội một lần - Ảnh 1.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2022, số người rời bỏ hệ thống an sinh là 4,85 triệu người. Trong đó, số người quay lại tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội là 1,3 triệu người. Số người chưa quay lại là 3,55 triệu người. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần 2 lượt: 907.000 người. Số lao động rút bảo hiểm xã hội một lần 3 lượt: 61.000 người. Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa dân số nhanh. Đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào thời kỳ dân số già, người già chiếm tới 1/4 dân số. Khi đó, những người không có lương hưu sẽ trở thành gánh nặng không chỉ cho gia đình mà cho toàn xã hội.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai khu vực có số người rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất. Lý giải điều này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hai vùng này tập trung nhiều lao động phổ thông, tuổi đời trẻ, làm việc tại các khu công nghiệp nên tần suất thay đổi công việc nhanh. Thực tế cho thấy, đến hơn 90% số người lĩnh bảo hiểm xã hội một lần đã tiêu hết số tiền có được sau 5 tháng. Đến nay, nhiều người đã nuối tiếc vì rút bảo hiểm xã hội một lần xong họ chưa có cơ hội quay lại với hệ thống an sinh xã hội.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước