"Việt Nam" - hai tiếng gọi thiêng liêng. Trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước mỗi khi hai tiếng gọi ấy được cất lên lại khiến cho người dân Việt Nam thêm tự hào. Chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, là thước đo tâm hồn người Việt, là dòng chảy bất tận trong những tác phẩm văn chương, trong lời ca tiếng hát và lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Quảng trường Ba Đình lịch sử nghiêm trang trong lễ thượng cờ giữa mùa thu của đất nước hôm nay. Lá cờ vẫn cứ tung bay giữa đất trời của ta - hiên ngang và đầy kiêu hãnh.
Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử của 79 năm về trước, lời Bác vang vọng bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam, từ thân phận nô lệ, trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình.
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Cho đến tận hôm nay, hai tiếng "Việt Nam" vẫn luôn được kiêu hãnh vang lên trên khắp các nẻo đường ngõ phố, từ trong nước đến trường quốc tế, đầy tự hào.
Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 vang mãi với non sông
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Những thanh âm, tiếng nói của một đất nước độc lập, tự do vang mãi tới hôm nay:
"Hỡi đồng bào cả nước, tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy…".
Là Phó Trưởng ban thường trực đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu khi ấy, những thanh âm độc lập vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông Nguyễn Tiến Hà.
"Thấy Bác rất giản dị cho nên mình cũng xúc động. Không ngờ một người cứu nước lại làm được như thế. Nhất là trong quá trình đọc, Bác Hồ lại dừng lại nói rằng "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?". Người nghe, mọi người đều hô lên tự động là: "Nghe rõ, nghe rõ! Có ạ, có ạ!". Đây là một người lãnh tụ mà lại hỏi ý kiến như thế tức là rất gần gũi và thực sự của nhân dân" - ông Hà kể lại.
Ký ức không quên về phong trào bình dân học vụ
Trong mùa thu mới của năm 1945, khi cả nước Việt Nam độc lập, đã bước sang một trang sử mới, thì lại phải đối mặt cùng lúc với nạn đói, nạn ngoại xâm, đó là nạn dốt. Chính vì thế mà phong trào xóa nạn mù chữ ra đời. Chỉ sau 3 tháng, hàng trăm "lớp học i, tờ" - tên gọi theo hai chữ trong bài học đầu tiên về Tiếng Việt, đã được mở ra từ thành thị đến thôn quê, rừng núi.
Tiếng nói của người Việt Nam, chữ viết của người Việt Nam cho người dân Việt Nam, biết đọc biết viết, trước tiên là tên mình và tên đất nước mình.
Ngay sau những ngày độc lập, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ và đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết.
Người đã từng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Vậy nên nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ 2, ngay sau chống giặc đói.
Sau đó ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi chống nạn thất học" vào tháng 10: "Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ".
Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ. Ông Nguyễn Phong Niên khi ấy đang đi học, cũng được nhà trường huy động đi dạy chữ.
Ông Nguyễn Phong Niên, giáo viên Bình dân học vụ năm 1946 - 1953 cho biết: "Được tham gia là thấy hân hạnh, thấy mình có ích sau cuộc cách mạng của cả dân tộc. Không khí cứ bừng bừng. Cũng được gọi bằng thấy đấy, sướng lắm. Các cô chú có tuổi cũng gọi là thầy".
Các lớp học được mở khắp nơi để tiện cho việc học tập. Chủ yếu là vào ban đêm, khi mọi người mọi nhà đã xong công việc. Phong trào được phát triển mạnh mẽ và thu hút được đa số các tầng lớp nhân dân.
Chỉ trong một năm, từ tháng 8/1945 đến tháng 8/1946, phong trào Bình dân học vụ đã dạy cho hơn 2,5 triệu người biết chữ. Phong trào Bình dân học vụ đã trở thành một phần của phong trào Thi đua kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào công cuộc diệt giặc dốt.
"Công dân biết chữ sang năm bầu cử, tự viết được phiếu. Được đi bầu là sướng rồi. Công dân của một nước độc lập, tự mình viết phiếu và bỏ vào hòm phiếu" - ông Niên nói.
Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì quý hơn độc lập tự do. Kể từ nay nước ta đã là nước độc lập, dân ta đã là những con người tự do, làm chủ đất nước và chính bản thân mình.
Những ngày lịch sử Bác Hồ viết di chúc
Gần 20 năm sau ngày đất nước độc lập, vào ngày 10/5/1965, Bác Hồ bắt đầu viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc - văn kiện lịch sử quý giá, để lại cho muôn đời sau. Người đã luôn cẩn trọng, sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, bằng chính ngôn ngữ Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhất, mà vẫn tinh tế, sâu xa. Lời của Người hay lời của non sông đất nước.
Ngay trong những tháng ngày ấy, mong muốn mà Người để lại trong di chúc, vẫn là ngày mà đất nước thống nhất về chung một nhà, ngày mà Người sẽ đi "khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta".
Tiếc rằng, khi Người ra đi, nguyện ước ấy vẫn chưa thực hiện được. Chính vì vậy, lời di chúc Người đã trở thành ngọn cờ đoàn kết chặt chẽ hơn nhân dân 2 miền Nam - Bắc, để đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không khí đấu tranh sục sôi trên khắp các mặt trận miền Nam, và sục sôi cả ở những nơi mà địch không ngờ tới - đó là ngay giữa lòng địch.
Tại nơi được cho là nhuốm đầy máu và nước mắt của người cộng sản - Nhà tù khét tiếng Côn Đảo, những dòng chữ viết bằng máu của những người chiến sĩ cộng sản, in hằn trên bức tường trong xà lim chuồng cọp. Đó là ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, một lòng thực hiện di nguyện của Người.
Chậm hơn 1 ngày so với đất liền, 9h sáng ngày 1/5/1975, Côn Đảo chính thức giải phóng, là thành quả của cuộc đấu tranh bền bỉ của những người tù chính trị kiên trung với Tổ quốc, nhân dân.
Thế hệ trẻ tự hào về đất nước Việt Nam
Ngày 2/9/1975 - ngày Quốc khánh đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất. Và cũng tại Quảng trường Ba Đình đã diễn ra Lễ duyệt binh lớn nhất tính tới thời điểm đó, với hàng chục nghìn người tham gia cùng với các khí tài và phương tiện quân sự. Nhân dân Việt Nam kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Từ đó cho tới nay, đất nước đã không ngừng đổi mới, phát triển đi lên trên mọi mặt của đời sống: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Thu nhập trên đầu người GDP liên tục tăng qua từng năm, ngay cả trong thời kỳ khó khăn toàn cầu là giai đoạn COVID-19, tăng trưởng GDP vẫn ở mức dương.
Nền văn hóa Việt Nam vẫn tiếp tục được gìn giữ, phát triển, tiên tiến mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Văn hóa còn, thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất" để văn hóa thực sự là chìa khóa cho sự phát triển bền vững đất nước.
Chính vì lẽ ấy, người Việt dù đi bất cứ nơi đâu, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay, có rẽ sóng ra biển lớn, khắp năm châu bốn bể trên trường quốc tế, trong "kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc Việt Nam", vẫn tự hào khi mang trong mình dòng máu đỏ, da vàng và nói tiếng nói Việt Nam.
Tiếng Việt vẫn thắp trên môi chúng ta mỗi ngày, còn là thước đo tâm hồn người Việt. Đó còn là hành trang theo mỗi chúng ta khi lớn lên, trưởng thành. Và hành trang ấy sẽ luôn được cất giữ ở một nơi trang trọng nhất trong trái tim của mỗi người cho dù ở phương trời nào đi chăng nữa.
Đi giữa phố phường hôm nay, rợp trong bóng cờ hoa mới biết khi đất nước được sinh ra độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, mới thấy thêm yêu và trân trọng mỗi phút giây mình được sống, được cống hiến dù chỉ là một phần nhỏ cho quê hương đất nước.
Người trẻ hôm nay, tìm về với những ký ức xưa cũng là một cách để gìn giữ và nuôi trong mình tình yêu và niềm tự hào đất nước, thiêng liêng hai tiếng "Việt Nam".
Tình yêu ấy sẽ hun đúc trong tim và lớn dậy khi cần, với tâm thế sẵn sàng của những người trẻ rằng: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay.
Lời bài hát này cũng chính là những tâm tư nguyện vọng của thế hệ trẻ Việt Nam luôn tự đặt ra cho mình. Tâm tư ấy bắt nguồn từ tình yêu và niềm tự hào của thế hệ cháu con, luôn biết ơn những hy sinh quên mình của thế hệ đi trước, luôn trân quý độc lập và tự do của ngày hôm nay.
Hãy ngắm nhìn Việt Nam hôm nay, một Việt Nam với nhiều thắng cảnh đẹp khiến bạn bè quốc tế phải thốt lên kinh ngạc, một Việt Nam với những đổi thay, những tiến bộ vượt bậc. Và cũng Việt Nam ấy, trong sắc thu nắng vàng của một ngày lịch sử đầy ăm ắp niềm tự hào của thế hệ trẻ hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!