Quyết định trên nằm trong nghị quyết quy định nội dung chi, mức chi một số hoạt động y tế - dân số trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 – 2025, vừa được thông qua tại kỳ họp lần thứ 11 của HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X.
Người đi bắt muỗi phải đi đến tận các khu vực nguy cơ gây ra bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. (Ảnh: Đông Khánh)
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm; chi hỗ trợ cho người trực tiếp phun, tẩm hóa chất diệt muỗi bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng (tính theo ngày) do Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; chi hỗ trợ cho người trực tiếp thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình và trong các đợt tổ chức chiến dịch với 3.000 đồng/hộ/lần.
Thành phố Hồ Chí cũng hỗ trợ biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng 80.000 đồng/tin với bài từ 350 đến dưới 600 từ; 100.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên… Tổng kinh phí dự kiến thực hiện trong năm 2023 là hơn 26 tỉ đồng.
Bắt muỗi đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân. (Ảnh: Đông Khánh)
Bắt muỗi đêm là một trong các nhiệm vụ của y tế dự phòng, nhằm khảo sát đánh giá quy mô và tính chất của côn trùng (muỗi) tại một số khu vực nguy cơ. Người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm đòi hỏi phải đi đến tận các khu vực nguy cơ gây ra bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Đây là cơ sở đưa ra các cảnh báo để người dân cũng như các cơ quan chuyên môn có giải pháp phòng ngừa sốt rét và sốt xuất huyết.
Tại TP.HCM hiện có ba đơn vị thực hiện việc nhiệm vụ đặc biệt này, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Bộ Y tế).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!