Thẩm mỹ "chui": Biến tướng lừa đảo và biến chứng cho khách hàng

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 08/06/2023 06:00 GMT+7

VTV.vn - Dịch vụ thẩm mỹ đang gây ra nhiều biến chứng cho khách hàng và biến tướng hình thức hoạt động. Có bệnh nhân thậm chí còn phải cắt bỏ toàn bộ ngực hay mù mắt.

25.000 đến 35.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ gặp biến chứng mỗi năm

Hầu như ngày nào cũng có các vụ biến chứng từ các cơ sở thẩm mỹ phải đi cấp cứu tại các bệnh viện. Chuyện thực hiện chui một số dịch vụ như tiêm chất làm đầy filler, botox, nhấn mí, cắt mí, truyền trắng, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hết hạn sử dụng. Thậm chí, nhiều cơ sở còn liên kết với các bác sĩ chạy sô, mổ dạo, mổ chui, thực hiện các kĩ thuật có xâm lấn vượt quá mức cho phép, đang diễn ra không thể kiểm soát.

Nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng không chỉ phụ nữ mà với cả nam giới. Thậm chí nhiều người nghiện làm đẹp đến mức cái gì trên người cũng muốn sửa.

Và thế là các thẩm mỹ viện phòng khám và các spa mọc lên ngày càng nhiều. Theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25.000 đến 35.000 ca gặp biến chứng, chiếm tỉ lệ là 14%.

Nhiều biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ ở những cơ sở không được cấp phép.

Đáng chú ý, có những người gặp biến chứng nhiều hơn một lần. Tuy nhiên khi khắc phục những biến chứng cũ, thậm chí là thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ mới, họ vẫn tiếp tục lựa chọn những cơ sở không được cấp phép và lại tiếp tục gặp biến chứng.

Một cô gái đã mất 20 triệu đồng và suýt mất cả ngực vì lựa chọn nâng ngực bằng phương pháp xung điện. Một cô gái khác thì chi tiền vì tin vào lời quảng cáo nâng ngực không cần phẫu thuật, không cần dao kéo. Một cô gái lại đã được tư vấn phương pháp da, lăn kim, đắp mặt nạ. Mụn thì không hết, cô còn nhiễm thêm eczema nhiễm trùng nặng.

Có bệnh nhân thậm chí còn phải cắt bỏ toàn bộ ngực do hoại tử sau tiêm. Đáng lẽ cô có thể phục hồi hoàn toàn nếu đến bệnh viện, song bệnh nhân lại tự điều trị tại nhà tới 5 tháng theo hướng dẫn của spa. Khi tìm đến bác sĩ thì đã quá muộn. Còn có người phụ nữ đã mù một mắt và suýt nữa mất đi bên mắt còn lại.

Không phải cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp nào cũng được cấp phép

Có lẽ không một quốc gia nào, thuật ngữ thẩm mỹ viện lại phổ biến như ở Việt Nam. Với danh xưng này, những người có nhu cầu làm đẹp đã yên tâm gửi gắm nhan sắc, thậm chí là cả tính mạng mình vào các thẩm mỹ viện.

Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng, mỗi cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp chỉ được cấp phép thực hiện các dịch vụ nhất định, đặc biệt là với các kỹ thuật làm đẹp có xâm lấn thì không phải cơ sở nào cũng được cấp phép. Tất cả các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người, phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt, hoặc các can thiệp xâm lấn khác làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể như da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người; xăm, phun, thêu chuyên gia có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm đều phải có giấy phép hoạt động.

Thẩm mỹ chui: Biến tướng lừa đảo và biến chứng cho khách hàng - Ảnh 2.
Thẩm mỹ chui: Biến tướng lừa đảo và biến chứng cho khách hàng - Ảnh 3.

Các dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khách hàng có quyền yêu cầu các cơ sở xuất trình các loại giấy tờ có liên quan về phạm vi hoạt động, chứng chỉ hành nghề của kĩ thuật viên. Các dịch vụ làm đẹp trên chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mĩ, hoặc cơ sở khám bệnh chữa bệnh có phạm vi chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đặc biệt với các đại phẫu như nâng ngực, nâng mũi, lấy mỡ cơ thể... chỉ các bệnh viện được cấp phép mới đủ điều kiện thực hiện. Chỉ có các cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu, trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì mới không cần giấy phép hoạt động. Song người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp và phải có thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định.

Dịch vụ thẩm mỹ đang gây ra nhiều biến chứng cho khách hàng và biến tướng hình thức hoạt động. Đây cũng là chủ đề của chương trình Tọa đàm của Đài Truyền hình Việt Nam với các khách mời:

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng,Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

GS.TS Trần Thiết Sơn, Tổng thư ký Hội phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội.

Ngoài ra chương trình còn sự tham gia của một vị khách là nạn nhân của thẩm mỹ "chui", người chia sẻ những chiêu trò lừa đảo của thẩm mỹ "chui".

Cảnh báo các biến chứng do thẩm mỹ 'chui' Cảnh báo các biến chứng do thẩm mỹ "chui"

VTV.vn - Ngày nào cũng có các ca tai biến liên quan làm đẹp phải nhập viện. Đây là cảnh báo của BV Da liễu TW tại Hội nghị Da liễu thẩm mỹ toàn quốc lần thứ 6 diễn ra tại Nghệ An.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước