Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch

Minh Toàn (VTV Digital)-Thứ hai, ngày 10/07/2023 09:29 GMT+7

VTV.vn - Tại Thái Thụy (Thái Bình), người dân "đành" phải chấp nhận sử dụng nước sạch thậm chí lọc nước sạch nhiều lần nhưng vẫn không dám sử dụng.

Lọc nước sạch

Biến đổi khí hậu khiến cho nước mặt giảm, nước biển dâng, xâm nhập mặn có xu thế tăng dần. Nhiều hộ dân tại xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy đang phải "oằn mình" sử dụng nước từ các bể nước mưa hoặc chấp nhận bỏ thêm tiền mua nước mặc dù đã lắp đặt hệ thống nước sạch.

Những tưởng "đầu tư" mua nước sạch thì sẽ có nước sạch để tiêu dùng nhưng thứ nước mà người dân ở đây nhận được lại là nước mặn. Bà Phạm Thị Tặng miêu tả chất lượng nước sạch mà nhà bà đã dùng suốt nhiều năm qua: "Nấu cơm thì không ăn được, nó ngang. Mà xào rau cho mắm muối thì coi như là không ăn được vì mặn. Luộc rau không cần cho mắm muối. Tắm thì dớt hết người ra".

Bỏ tiền để mua nước sạch nhưng nước sạch ở Thụy Quỳnh chỉ có thể dùng để tắm giặt chứ không thể phục vụ cho những nhu cầu sinh hoạt khác. Nước được người dân dùng để nấu ăn hàng ngày là nước mưa hoặc nước đóng bình bởi không thể sử dụng nước sạch cho hoạt động nấu ăn.

Gia đình anh Vũ Hữu Chiến phải song song sử dụng cả bể chứa nước mưa và bể để chứa nước sạch. Theo đó, anh Chiến sử dụng bể nước mưa cho hoạt động nấu ăn. Bể nước sạch được sử dụng để giặt quần áo, tắm và rửa tay chân.

Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch - Ảnh 1.

Nước tưới cây người dân ở Thụy Quỳnh phải sử dụng nước ao vì không thể “tái sử dụng” nước sạch để tưới cây vì quá mặn.

Thông thường, nước rửa tay chân sau khi sử dụng có thể tái sử dụng để tưới cây hoặc rửa xe nhưng với người dân xã Thụy Quỳnh "nước sạch" không thể tái sử dụng. Bởi nếu tái sử dụng "nước sạch" với nồng độ muối cao như vậy thì sẽ gây chết cây hoặc han gỉ những đồ kim loại khi tiếp xúc. Vì vậy, người dân "đành phải đổ đi" thứ nước mà bản thân mất tiền mua.

Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch - Ảnh 2.

Các giáo viên tại trường mầm non Thuỵ Quỳnh chỉ sử dụng nước sạch để rửa bát chứ không sử dụng vào mục đích nào khác.

Tại trường mầm non Thụy Quỳnh, do không thể sử dụng trực tiếp nước sạch nên nhà trường đã phải trang bị thêm hệ thống lọc nước R.O để lọc nước sạch và mua nước đóng bình để phục vụ nhu cầu nấu ăn, cung cấp nước uống cho các em học sinh.

Cô Lê Thị Chăm, Hiệu phó trường mầm non Thụy Quỳnh cho biết: "Nhà trường phải trang bị hệ thống lọc nước để đảm bảo nguồn nước cho các em học sinh. Quả lọc thì 2 tuần thay 1 lần nhưng vẫn không dám cho học sinh dùng nước đó vì sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ".

Theo những hộ dân ở đây, mùa cuối năm mà đặc biệt là dịp cận Tết thì "nước sạch" bỗng dưng trở nên "mặn không để đâu hết mặn". Khoảng thời gian này kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 3 năm sau. Tuy nhiên vào những khoảng thời gian khác trong năm, "nước sạch" ở đây cũng mặn, ngọt bất thường gây hoang mang cho người dân trong việc sử dụng.

Nước sạch mặn hơn nước súc miệng

Hiện nay, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên hơn, nguồn nước thô của công ty lấy từ sông Hóa (nơi bị ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn). Vào những thời điểm đó, nước sạch bị nhiễm mặn, người dân không muốn sử dụng vì không tin tưởng chất lượng; mặt khác độ mặn cao làm ảnh hưởng không nhỏ đến các thiết bị sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.

Ông Đào Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thụy Quỳnh cho biết: "Công Ty cổ phần Bitexco Nam Long là đơn vị quản lý cấp nước phục vụ nhân dân xã Thụy Quỳnh trong đó lưu lượng nước và nguồn nước là chưa được đảm bảo theo yêu cầu. Do biến đổi khí hậu nên nước của xã Thụy Quỳnh đang nhiễm mặn, nhiễm phèn khoảng trên 6 tháng. Lưu lượng nước, trữ lượng nước không đảm bảo, không đủ để nhân dân sinh hoạt trong những ngày nắng nóng, ngày lễ, ngày Tết".

Ông Hưng nhận định, theo tiêu chuẩn nước hiện nay thì đối với nước sinh hoạt, ăn thì không đảm bảo vì nồng độ mặn rất cao. Về cảm quan sử dụng hàng ngày và có sự so sánh giữa các loại nước. Nước Thụy Quỳnh còn mặn hơn nước súc miệng. Do nước không đảm bảo trong thời gian cung cấp nước thường xuyên nên trong hệ thống được ống bị bẩn, bám trên đường ống, mỗi lần bơm nước sẽ thấy độ đục rất cao.

Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch - Ảnh 3.

Nhiều người dân, thậm chí trường học phải lắp đặt hệ thống lọc nước tiên tiến để có thể lọc lại nước sạch nhằm phục vụ nhu cầu hàng ngày.

Vấn đề nước sạch Thụy Quỳnh nếu không được giải quyết kịp thời thì có thể gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị địa phương. Đặc biệt, địa phương đang tập trung xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, nếu không giải quyết được thì khó có thể nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới.

Ông Vũ Văn Chính, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Quỳnh cho biết: "Trong quá trình xử lý và vận hành thì chất lượng nước chưa được đảm bảo theo tâm tư nguyện vọng của người dân. Nói là nước sạch, nước sạch không màu không mùi, không vị tuy nhiên nước lại có vị mặn, trang thiết bị sinh hoạt gia đình từ nóng lạnh, máy giặt là hỏng hết. Thực trạng là như vậy. Thực tế nước này không ăn được. Nhu cầu sử dụng nước trước đây của người dân thấp hơn bây giờ và hệ thống cấp nước bây giờ thì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân".

Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch - Ảnh 4.

Ông Vũ Văn Chính, Bí Thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Quỳnh.

Mong muốn của chính quyền xã và nhân dân xã Thụy Quỳnh theo ông Chính là: "Đã dùng nước sạch thì phải là nước sạch. Bây giờ bỏ tiền mua nước mà bây giờ không được dùng nước thì rất là khó. Muốn công ty phải có giải pháp với cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi nhất để sớm xử lý tình trạng này và đáp ứng đủ nguồn nước cho nhân dân.

Thực chất trong quá trình mang mẫu nước đi giám định thì chất lượng nước hoàn toàn bình thường. Nhưng sau thời điểm giám định, nước mặn trở lại, không có chuyện nước mặn quanh năm.

Ông Chính nhận định, để giải quyết tình trạng này để công ty có thể khai thác phục vụ được dân thì chính quyền xã sẽ tìm kiếm một quỹ đất phù hợp sau đó, vận động nhân dân, giải phóng mặt bằng đền bù cho người dân theo thoả thuận. Tiếp theo, công ty sẽ phối hợp với địa phương để xây hồ chứa nước. Làm hồ chứa nước ngọt. Để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Có nâng cấp cải tạo nhưng không đồng bộ

Trạm cấp nước sử dụng nguồn nước từ sông Hóa để xử lý phục vụ cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ xã Thụy Quỳnh gồm 6 thôn với khoảng 2.654 hộ và 8.316 nhân khẩu.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Thái Thụy cho biết năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh giao trạm cấp nước sạch xã Thụy Quỳnh cho Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long quản lý, sử dụng, khai thác và đầu tư nâng cấp. Sau khi nhận bàn giao công trình, mặc dù công ty đã có nâng cấp, cải tạo nhưng không đồng bộ nên việc cung cấp nước sạch vẫn còn nhiều hạn chế như: Việc cấp nước của nhà máy nước sạch vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cấp nước không được thường xuyên, liên tục, thưởng phải thực hiện cấp nước luân phiên, áp lực nước yếu, đặc biệt vào những thời điểm như dịp lễ, Tết, mùa hè.

Việc xây dựng hồ trữ nước của Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long chưa được thực hiện, Công ty chưa có phương án lấy nước bổ sung trong sông nội đồng trong những ngày nước sông Hóa bị nhiễm mặn thì chưa thể khắc phục tình trạng nước bị nhiễm mặn xảy ra. Có khả năng dẫn tình trạng thiếu nước, cấp nước không đảm bảo quy định kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Về phía đại diện Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, ông Nguyễn Bá Thuận, Trạm trưởng trạm cấp nước xã Thùy Quỳnh cho biết: "Sau khi tiếp nhận công trình, Công ty đã tiến hành đầu tư, cải tạo một số hạng mục như: Thủy thế bơm cấp 1, bơm cấp 2, hệ thống van, đường ống công nghệ, hệ thống điện, tuyến ống nước thô. Ngoài ra, Công ty đã rà soát xử lý đường ống cấp nước rò rỉ và dịch chuyển các tuyến ống cấp nước.

Thái Bình: Người dân Thái Thụy “đành” phải sử dụng nước sạch - Ảnh 5.

Nhiều trang thiết bị nhà tắm bị hoen gỉ, ố vàng do “nước sạch”.

Hiện nay, hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng diễn ra nghiêm trọng xảy ra thường xuyên hơn, nguồn nước thô mà Công ty khai thác từ nông Hóa bị nhiễm mặn làm ảnh hưởng đến việc xử lý cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân. Công ty đã có kế hoạch xây dựng hồ dự trữ nước để khắc phục tình trạng nguồn nước sông Hóa bị nhiễm mặn".

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua nước sạch nhưng nhận về nước mặn là do hiện nay nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao nên quy mô công suất trước đây không còn phù hợp, mặc dù công ty đã cải tạo, đầu tư nâng cấp hệ thống tuy nhiên việc đầu tư không đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân.

Mặt khác, nguồn nước mặt sông Hóa bị xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến quá trình xử lý và chất lượng nước phục vụ nhân dân; nếu xây dựng được hồ trữ nước thô, Công ty sẽ chủ động trong việc khai thác xử lý nước, hiện tượng nước bị nhiễm mặn cơ bản sẽ được khắc phục.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước