Thước phim được ghi lại vào năm 1973, người phụ nữ mặc áo đỏ đang bế đứa con trai hân hoan đi sắm Tết chính là nghệ sĩ ưu tú Thanh Tú, lúc đó cô 29 tuổi. Trời khá lạnh nhưng mọi người lại ra đường nhộn nhịp hơn hẳn mọi năm. Người ta bắt đầu diện những bộ quần áo sặc sỡ, không cần phải mặc áo màu xanh, màu tối để đánh lừa máy bay địch như thời chiến nữa.
Nghệ sỹ Ưu tú Thanh Tú cho biết: ''Lần đầu tiên được bóc tờ giấy dán ở kính ra thấy xúc động vô cùng bởi được nhìn thấy bầu trời, nhìn thấy con người, nhìn thấy hàng cây và nhìn thấy tất cả mọi thứ một cách thoải mái''.
Rời chiến trường Quảng Trị, Nhà thơ Anh Ngọc về lại Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới vào đúng ngày 27 Tết. Không khi đón tết ở Hà Nội lúc bấy giờ vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ nhà văn Anh Ngọc.
Nhà thơ Anh Ngọc, nguyên Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhớ lại: ''Giống như là một trận mưa rào trên cánh đồng khô hạn, giống như sự khao khát được đền đáp của một tình yêu. Tôi và bạn lên Phú Thượng nơi hậu cứ của đơn vị để trình diện thì đó là xứ sở của hoa đào. Một lần nữa, chúng tôi đi trong rợp màu đỏ nhưng màu đỏ lần này là màu đỏ của hoa đào. Chợ hoa Hàng Lược năm đó vui vô cùng''.
Lần đầu tiên được ngắm pháo hoa trên bầu trời hoà bình cũng là ký ức mà Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa không thể nào quên. ''Đối với chúng tôi pháo hoa không chỉ đẹp mà nó báo hiệu cho một hy vọng là đất nước bình yên'', Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa nói.
Nghệ sĩ được diễn một vở từ đầu đến cuối mà không phải chạy xuống hầm trú ẩn, ca sĩ được thu âm một bài hát trọn vẹn… mỗi người dân Hà Nội đã cảm nhận và đón Tết quý sửu theo những cách khác nhau nhưng đều có chung một niềm vui đó là niềm vui của hoà bình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!