Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người về từ Đà Nẵng, tại phường Bách Khoa và phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) sáng 1/8/2020. Ảnh: TTXVN.
Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng thêm theo ngày. Đáng lo ngại hơn, trong số các ca mắc mới được ghi nhận, có nhiều trường hợp trở về từ Đà Nẵng - nơi đang là tâm dịch COVID-19 ở Việt Nam.
Hà Nội cũng là địa phương đã có 3 trường hợp mắc COVID-19 sau khi trở về từ Đà Nẵng. Mới nhất là BN714, 42 tuổi, có địa chỉ tại Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, là nhân viên điều hành xe buýt. Bệnh nhân từng tới Đà Nẵng du lịch cùng vợ con từ ngày 14 - 17/7. Khi về Hà Nội, bệnh nhân có lịch trình di chuyển hết sức phức tạp.
Theo thống kê, ở Hà Nội có gần 90.000 người từ Đà Nẵng trở về tình từ ngày 8/7, đã có hơn 70.000 trường hợp được test nhanh. Trong số những người được test nhanh, ghi nhận 12 trường hợp có kết quả dương tính. Tất cả các trường hợp này sau đó đều được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ 12/12 trường hợp đều âm tính.
Tuy nhiên, với những trường hợp nhận được kết quả test nhanh âm tính, có người thở phào nhẹ nhõm vì cho rằng mình đã "thoát nạn" để trở lại nếp sinh hoạt thường ngày. Song, thực chất kết quả này không có nhiều giá trị.
Người dân đăng ký xét nghiệm tại phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: TTXVN.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: "Test nhanh đối với chúng tôi thực ra chỉ có giá trị điều tra dịch tễ xem tình hình dịch đã qua, hiện tại và dự báo tương lai chứ không có giá trị ngăn chặn nguồn dịch. Vì test nhanh làm sớm quá thì chưa đủ kháng thể, làm đúng lúc cũng chưa thể khẳng định được là có virus hay không, làm muộn sau đấy có thể dương tính nhưng khả năng lây nó cũng qua mất rồi".
Vì vậy, những người có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 tuyệt đối không được chủ quan, phải tuân thủ nghiêm túc việc cách ly đủ 14 ngày. Còn với những người tiếp xúc gần với các trường hợp được xác định dương tính với SARS-CoV-2, cần tự theo dõi tình trạng sức khỏe, tuyệt đối không được chủ quan. "Mọi người cần cảnh giác và hãy chậm lại một chút để tất cả được an toàn" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng cho biết khi chưa tìm ra ca nhiễm mà virus vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng tới một vài chu kì (thông thường mỗi chu kì khoảng 4-5 ngày) như ở Đà Nẵng thì điều này rất đáng lo ngại. "Bởi ước tính một trường hợp mắc COVID-19 có thể lây lan một chu kì khoảng 5 người, nếu cứ nhân lên như thế, con số mắc sẽ rất lớn trong cộng đồng" - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung lý giải.
Trước đó, ThS.BS Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng từng khuyến cáo: "Xét nghiệm test nhanh âm tính vẫn phải thực hiện cách ly, bởi test nhanh âm tính không có nghĩa là mình không bị nhiễm SARS-CoV-2 .Vì vậy, bạn cần nghiêm túc khai báo y tế và thực hiện cách ly ngay cả khi đã được xét nghiệm máu có kết quả âm tính".
Test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 liệu đã an toàn?
Hiện nay, bên cạnh phương pháp xét nghiệm Real-time PCR, Bộ Y tế đã cấp phép cho phương pháp xét nghiệm Gene Xpert - một phương pháp vốn được sử dụng để xét nghiệm vi khuẩn lao trong hệ thống các cơ sở phòng, chống lao ở Việt Nam.
Bộ Y tế đã cho phép nhập 16.000 test cho hệ thống Gene Xpert, trong vài ngày tới sẽ về tới Việt Nam, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động xét nghiệm SARS-CoV-2 song song với phương pháp xét nghiệm Real- time PCR.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo mới nhất về phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hình mới và đề nghị người dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!