Tây Nguyên khô hạn 8-9 tháng/năm, đầu tư thủy lợi là giải pháp

Thanh Hà-Thứ tư, ngày 27/03/2024 11:22 GMT+7

VTV.vn - Việc đầu tư cho thủy lợi là giải pháp căn cơ và lâu dài nhằm chống hạn cho Tây Nguyên trong những năm tới.

Những ngày này, Tây Nguyên đang trong cao điểm khô hạn. Hiện tại khu vực này, mực nước các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt một nửa dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ nhỏ dưới mực nước chết. Hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai có hơn 160 ha lúa bị hạn hán, thiếu nước tưới.

Vào thời điểm này, các địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi. Đây là cách để giúp bà con tiếp tục sản xuất nông nghiệp và cũng là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng khô hạn.

Trước đây, việc canh tác 2 - 3 vụ lúa như hiện nay là điều không tưởng với gia đình ông Đoàn Văn Long và bà con ở xã biên giới Ia R'vê, bởi tình trạng khô hạn diễn ra hàng năm, nhất là vào những tháng mùa khô. Tuy nhiên những năm gần đây, địa phương này đã được đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, nên việc sản xuất của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Tây Nguyên khô hạn 8-9 tháng/năm, đầu tư thủy lợi là giải pháp - Ảnh 1.

Các địa phương tại Tây Nguyên đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Từ nguồn lực đầu tư của Trung ương, đến nay hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện Ea Súp đã lên đến hơn 300 km.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, Đắk Lắk, cho biết: "Huyện Ea Súp là vùng chuyên canh cây nông nghiệp, thời tiết khắc nghiệt, một năm có 8 - 9 tháng là khô hạn. Hệ thống kênh mương đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của bà con góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương".

"Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị với tỉnh, Trung ương bố trí nguồn kinh phí xây dựng, tu bổ, nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn", ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho hay.

Toàn vùng Tây Nguyên hiện có trên 2.300 công trình thủy lợi, do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mùa khô kéo dài, cộng thêm một số công trình thủy lợi đầu tư đã lâu nên hư hỏng, xuống cấp, không đáp ứng đủ nước cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư cho thủy lợi chính là giải pháp căn cơ và lâu dài, để chống hạn cho Tây Nguyên trong những năm tới.

Mất rừng, khai thác nước ngầm làm gia tăng khô hạn Mất rừng, khai thác nước ngầm làm gia tăng khô hạn

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng những gì người dân vùng khô hạn đang hứng chịu hiện nay là do tình trạng mất rừng và khai thác nước ngầm quá mức tại các vùng sản xuất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước