Tàu bè đi qua, sạt lở đi theo

Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 21/08/2020 12:20 GMT+7

VTV.vn - Người dân tỉnh Sóc Trăng đang phải đối mặt với nỗi lo sạt lở đất mỗi khi có tàu cao tốc đi qua.

Sạt lở, đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Mới đây, tại Quốc lộ 91 qua địa bàn tỉnh An Giang, sạt lở đã xảy ra với chiều dài gần 40 mét. Sạt lở bờ sông, kênh, rạch do các nguyên nhân chính gồm dòng chảy gây sói mòn, nền đất yếu dễ sụt lún, tăng gia tải khi người dân sống, xây dựng ven sông và kênh rạch, hay giảm nguồn bùn cát từ thượng nguồn.

Ngoài nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân khác cũng là nhân tố gây sạt lở: Đó là do những con tàu. Tại tỉnh Sóc Trăng, niềm vui khi có tàu cao tốc kết nối đất liền với Côn Đảo chưa được bao lâu, những người dân ở đây lại phải đối mặt với nỗi lo sạt lở đất mỗi khi tàu đi qua.

Tàu  bè đi qua, sạt lở đi theo - Ảnh 1.

Tại ấp Cồn Cò, xã An Lạc Tây huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, mỗi khi tàu cao tốc tuyến Cần Thơ - Côn Đảo chạy ngang là người dân lại tràn ra bờ đê. Kẻ đứng, người ngồi ngóng theo từng đợt sóng đánh vào bờ.

Dù tàu hoạt động chưa đầy 2 tháng nay nhưng nhiều diện tích đất trên cồn đã bị sạt lở, ăn sâu vào bờ. Theo thống kê của người dân, từ khi đi vào hoạt động đến nay, sóng do tàu tạo ra đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê; gây ra 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện; có 11 lần lưới, ngư cụ của người dân bị cuốn trôi.

Theo người dân sống hai bên bờ nam Sông Hậu, đoạn chảy qua xã An Lạc Thôn, Huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng. Bình thường đoạn sông này luôn nhộn nhịp tàu bè qua lại nhưng khi gần đến giờ tàu cao tốc chạy qua thì tất cả đều phải dạt vào bờ. Đơn giản vì chẳng có tàu ghe nào chịu được sóng từ tàu cao tốc đánh vào mạn.

Theo thông báo mới nhất về nội dung cuộc họp giữa Sở Giao thông vận tải Sóc Trăng, cùng các cơ quan liên quan và doanh nghiệp, xem xét phản ánh của cử tri về tình hình sạt lở do tàu cao tốc gây ra, hiện tại tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề tạm ngưng hoạt động. Và trước khi hoạt động trở lại, phải xây dựng phương án hoạt động để khắc phục ảnh hưởng đến người dân và tình hình sạt lở hai bên bờ sông Hậu.

Tàu Cao tốc đi nhanh, tạo sóng lớn, sạt lở nhìn thấy ngay được. Có những nơi, tàu bè đi lại nhiều nhưng tốc độ chậm, sạt lở không thấy ngay nhưng lại biến thành những mối nguy hiểm âm thầm gặm vào từng mét đất và cũng có thể kéo theo các ngôi nhà xuống lòng sông bất kể lúc nào.

Chỉ sau trận mưa lớn, con đường bê tông đoạn qua ấp Phụng Tường 1, xã Long Phụng, huyện Long Phú đã bị trôi tuột xuống sông, không dừng lại, sạt lở còn lấn sâu vào đất liền thêm khoảng 10m, khiến hàng chục hộ dân bị phải di dời sang nơi khác. Theo người dân sống tại đây, việc lở bờ sông như vậy hoàn toàn bất ngờ và trước nay chưa hề xảy ra.

Theo người dân tại Long Phụng, những năm gần đây tình hình sạt lở bờ sông, đặc biệt là dọc bờ kênh Saintard xảy ra khá thường xuyên - đây là con sông mà các tàu thuyền muốn vào Sóc Trăng phải đi qua. Điều đáng nói khi nào tàu qua càng nhiều, lại đúng vào dịp triều cường dâng cao, tình hình sạt lở lại càng phức tạp.

Còn tại kênh Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang - nơi lưu lượng mỗi ngày trên 1.000 con tàu lớn nhỏ đi qua. Theo thống kê sơ bộ, riêng khoảng 10 km kênh Chợ Gạo đi qua hai xã Bình Phan và Bình Phục Nhứt có tới 35 điểm sạt lở. Mỗi năm, sạt lở gặm nhấm vào sâu vào bờ bình quân từ 2 đến 3 mét, có đoạn vào tới 4 mét, ăn gần hết con đường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước