Tập trung điều tra làm rõ vụ phá rừng gỗ quý hiếm

PV-Thứ ba, ngày 16/07/2024 21:19 GMT+7

Quảng Nam yêu cầu làm rõ vụ phá rừng gỗ nghiến quý hiếm tại huyện Nam Giang. Ảnh PLO

VTV.vn - UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng gỗ quý hiếm mới trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang.

Ngày 16/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan của tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng gỗ quý hiếm mới được phát hiện trên địa bàn huyện miền núi Nam Giang.

Tập trung điều tra làm rõ vụ phá rừng gỗ quý hiếm - Ảnh 1.

Một trong những cây gỗ nghiến quý hiếm bị cưa hạ. Ảnh: PLO

Theo đó, tỉnh Quảng Nam giao Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang khẩn trương tiếp nhận hồ sơ vi phạm và điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm đối với vụ phá rừng tại khoảnh 5, tiểu khu 329, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nam Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang trong việc điều tra, xác minh, hoàn thiện hồ sơ vụ án để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Các đơn vị phải kiểm tra, làm rõ và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tập trung điều tra làm rõ vụ phá rừng gỗ quý hiếm - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng đánh dấu cây gỗ nghiến quý hiếm bị cưa hạ. Ảnh: PLO

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Trước đó, lực lượng chức năng tuần tra, phát hiện có dấu hiệu khai thác lâm sản trái phép tại khoảnh 5, tiểu khu 329, rừng phòng hộ huyện Nam Giang. Qua kiểm tra tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận có 12 cây gỗ nghiến quý hiếm bị cưa hạ, 1 cây gỗ nghiến bị gió bão gây ngã đổ. Hầu hết các cây gỗ nghiến bị cưa hạ có đường kính từ 0,8m trở lên, có cây đường kính đến khoảng 1,5m, chiều dài hàng chục mét.

Cây nghiến còn có tên khoa học là Burretiodendron Hsienmu; loài cây này có hoa. Hiện nay, loài gỗ này được phân bố chủ yếu ở hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc. Gỗ nghiến được xếp vào nhóm IIA, là nhóm gỗ quý bị cấm khai thác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước