Luật Người khuyết tật được Quốc hội thông qua vào năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ ngành đã ban hành hệ thống các thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện. Công tác tổ chức cán bộ; kiểm tra giám sát thực hiện Luật cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Theo đánh giá tại buổi Tọa đàm chính sách Luật Người khuyết tật, sau 5 năm triển khai đồng bộ, Luật Người khuyết tật đã thu được những kết quả nhất định.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH nói: “Điều đầu tiên chúng ta đạt được là thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, của hệ thống chính trị cũng như các cơ quan Nhà nước. Thứ hai, đã triển khai được các chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người khuyết tật. Thứ ba là, đã bước đầu cải tạo môi trường - điều kiện tiếp cận cho người khuyết tật”.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động TB&XH đã trực tiếp trả lời những thắc mắc của các đại biểu đến từ Hội, nhóm người khuyết tật trên cả nước. Những khuyến nghị liên quan tới các vấn đề hỗ trợ người khuyết tật cũng được các đại biểu tập trung trao đổi.
Ông Đặng Văn Thanh - Quyền Tổng thư ký Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam (VDF) cho rằng: “Đối với dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật là một nhu cầu rất lớn, hiện nay người khuyết tật được học nghề và có việc làm ổn định còn rất hạn chế. Ngoài ra, một số chính sách như bảo hiểm y tế, các chi trả bảo hiểm y tế cũng cần có những khuyến nghị”.
Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật Người khuyết tật được đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cụ thể hóa trách nhiệm của Nhà nước và cộng đồng xã hội đối với nhóm người dễ bị tổn thương này. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục có những điều chỉnh, bổ sung, cụ thể hóa các quy định dưới luật nhằm đảm bảo tính hiệu quả thực tiễn của Luật Người khuyết tật trong đời sống xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.