Cả nước đã có 235.000 người nghiện ma túy. Đây là số người nghiện có hồ sơ được quản lý nhưng nhiều chuyên gia và chính cơ quan chức năng cho rằng con số thực tế còn lớn từ 3-5 lần, tức có khoảng 1 triệu người sử dụng ma túy. Ma túy đá là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng quá nhanh này kèm theo những bất ổn về an ninh trong cộng đồng và trong chính các trung tâm cai nghiện.
Các chuyên gia phòng chống ma túy đều chỉ ra sự gia tăng đột biến số người nghiện trên toàn quốc chính là do sự thẩm thấu của ma túy đá vào nội địa và việc dễ dàng mua loại ma túy này ở nhiều địa phương. Đã có những trường hợp trẻ 12, 13 tuổi đi mua ma túy về sử dụng. Số lượng người nghiện tăng, tỷ lệ người nghiện ở độ tuổi vị thành niên tăng.
Hiện, tổng số học viên tại 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập gần 35.000 người - quá thấp so với số người nghiện có hồ sơ quản lý nhưng tạo ra sự quá tải cho các trung tâm cai nghiện và thường trực nguy cơ "vỡ" cơ sở.
Các đối tượng bị bắt giữ vì sử dụng ma túy
Trong bối cảnh ma túy đá đang tấn công khủng khiếp thanh niên, đến thời điểm này, chưa có một phác đồ điều trị ma túy hiệu quả. 90% người nghiện tái nghiện đang tạo áp lực rất lớn cho mỗi gia đình và xã hội. Mô hình điều trị cai nghiện tại cộng đồng ở một số địa phương thất bại đã cho thấy việc điều trị cho hàng trăm nghìn người nghiện không chỉ là sau tường của các cơ sở cai nghiện mà cả một chương trình dài hạn từ khi cơ sở cai nghiện đến khi trở về với cộng đồng sau cai. Gia đình là yếu tố cực kỳ quan trọng để giúp người từng lầm đường trở lại cuộc sống.
Chuyện dạy nghề cho người nghiện không mới nhưng cần giúp người sau cai có một kỹ năng nghề và sống được từ nghề này có lẽ là một phần đường về sau 12 tháng tập trung đang được thực hiện tại Bến Tre.
Một lối thoát, một nghề nghiệp có thu nhập đủ nuôi sống chính mình có thể giảm nguy cơ tái nghiện từ những người từng lầm đường. Tại đây, họ được hướng dẫn các kỹ thuật canh tác hoặc các nghề phổ thông như sửa chữa xe máy; điện dân dụng.
Tại Bến Tre, để công tác cai nghiện có hiệu quả sau cai, cơ sở cai nghiện ở đây đã phân loại các nhóm đối tượng có tiền án; nghiện lâu năm và mới vào lần đầu. Mỗi nhóm có một khu vực, một phác đồ cai nghiện và định hướng khác nhau sau khi hết thời gian cai nghiện bắt buộc, trở về với gia đình.
Trước tình trạng người nghiện gia tăng và thiếu hiệu quả sau cai nghiện, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thay đổi cách thức, phương pháp cai nghiện. Đặc biệt, cai nghiện tập trung không chỉ là điều trị bắt buộc hay tự nguyện mà còn phải kết nối với gia đình và cộng đồng sau thời gian tập trung để hạn chế tái nghiện.
Nhiều người vẫn khuyên gia đình có người nghiện đưa họ đến trung tâm cai nghiện là con đường tốt nhất nhưng hãy nhớ đó là chưa đủ. Trong suốt quá trình họ cai nghiện, gia đình không thể bỏ mặc họ với các cán bộ, không gì quý hơn tình thân, sự động viên của máu mủ ruột già. Quan trọng nhất, khi họ ra khỏi trung tâm còn cần nhiều yêu thương từ gia đình hơn nữa để không tái nghiện bởi hơn 90% người nghiện có thể tái nghiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!