Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Báo điện tử Nhân dân)
Sáng nay (22/6), tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lầm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên". Hội nghị đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Cho đến 2019, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam là 41,89%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5,73%/năm. Giá trị xuất khẩu lâm sản tăng gấp hơn 1,5 lần so với năm 2016. Đây là những kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cũng trong giai đoạn này, ngành Lâm nghiệp đã hình thành được ngành kinh tế rừng với sự phát triển của công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ: đứng thứ 6 thế giới. Nhưng ngành Lâm nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực Tây Nguyên, được đánh giá là còn nhiều nút thắt chưa giải quyết được. Mặc dù đây là vùng được đánh giá quan trọng nhất trong cả nước nhưng độ che phủ rừng lại thấp nhất so các tỉnh, chỉ đạt 36,8%. Riêng năm 2019, khu vực này giảm 15,700 ha rừng. Đây cũng là trọng điểm phá rừng, mua bán vận chuyển trái phép lâm sản, công tác điều chỉnh 3 loại rừng chưa thực hiện hiệu quả. Tình trạng di cư tự do gây sức ép công tác quản lý đất rừng.
Năm 2020 là năm cuối cùng của pha 2016-2020 thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong 14 nhóm chỉ tiêu quan trọng đặt ra cho chương trình này vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt được. Hội nghị với sự tham gia của 11 đơn vị liên quan, đặc biệt 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên sẽ bàn về giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, làm tiền đề cho việc trình Chính phủ để có giải pháp cho giai đoạn tiếp theo 2021-2030 phát triển lâm nghiệp bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!