Tăng cường mở rộng mạng lưới giao thông công cộng Thủ đô

Lô Dũng, Thanh Long,-Thứ tư, ngày 09/10/2024 21:47 GMT+7

VTV.vn - Trong hơn 10 năm qua, vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, với mạng lưới xe buýt mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Hơn 10 năm qua, vận tải hành khách công cộng ở Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể cả về lượng lẫn chất. Từ trên cao nhìn xuống, có thể thấy rõ sự đồng bộ và hiện đại hóa trong mạng lưới giao thông.

Một trong những thay đổi nổi bật là mạng lưới xe buýt ngày càng được mở rộng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận loại hình vận tải này. Đến nay, hầu hết cư dân ở các xã ngoại thành đều có thể sử dụng xe buýt.

Theo thống kê hiện mạng lưới xe buýt thủ đô đã phủ khắp 30 quận, huyện và thị xã. Người dân ở 98% tổng số xã đã có thể tiếp cận với loại hình vận tải công cộng này. Không chỉ trú trọng mở rộng mạng lưới chất lượng phương tiện cũng được đầu tư cải tạo. Đến nay khoảng 2000 xe buýt ở Hà Nội đều có tuổi thọ dưới 10 năm. Thế nhưng để xe buýt thủ đô đảm bảo an toàn thân thiện với môi trường, lộ trình chuyển đổi phương tiện cũng đã được đặt ra.

Tăng cường mở rộng mạng lưới giao thông công cộng Thủ Đô  - Ảnh 1.

Ông Phạm Đình Tiến từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông cho biết: "Sở giao thông vận tải cũng đang lập đề án chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng đi ê zen ô nhiễm môi trường chuyển sang sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh với mục tiêu phấn đấu là đảm bảo đến năm 2033, 100% đoàn phương tiện là sử dụng năng lượng xanh, sạch năng lượng điện".

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ, xe buýt Hà Nội cũng đang rà soát điểm dừng đỗ đón trả khách của xe buýt. Phương án xã hội hóa xây dựng nhà chờ xe buýt cũng đã được tính đến. Như vậy trong tương lai gần tình trạng người dân phải dãi nắng, dầm mưa tại những điểm đón xe buýt như thế này sẽ không còn tái diễn.

Hà Nội: Mở rộng mạng lưới đô thị đường sắt

Hiện tại, Hà Nội đang phải đối mặt với khoảng 8 triệu phương tiện giao thông các loại, chưa kể hơn 1 triệu phương tiện ra vào thành phố hàng ngày. Trong bối cảnh này, việc quy hoạch và phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được coi là giải pháp bền vững để giải quyết tình trạng ùn tắc và ô nhiễm do quá tải xe cá nhân.

Đến nay, thành phố đã đưa vào hoạt động hai tuyến đường sắt đô thị: Cát Linh - Hà Đông và đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Hai tuyến này có khả năng phục vụ hơn 700 nghìn lượt hành khách mỗi ngày. Theo quy hoạch đến năm 2035, Hà Nội dự kiến sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu di chuyển của người dân ở khu vực trung tâm và từ 15-25% tại các đô thị vệ tinh.

Tăng cường mở rộng mạng lưới giao thông công cộng Thủ Đô  - Ảnh 2.

Hiện thực hóa mục tiêu này là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền thành phố. Thế nhưng, việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị là điều tất yếu ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Với 2 tuyến đường sắt đang vận hành có thể thấy được vai trò của hệ thống đường sắt đô thị trong hình thành mạng lưới vận tải công cộng cũng như từng bước thay đối thói quen đi lại của người dân.

Hà Nội: Phát triển giao thông kết nối

Thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển mở rộng hệ thống giao thông đô thị, nhằm giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. Bên cạnh đó, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng được đặc biệt chú trọng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế xã hội và kéo dài mật độ dân cư khu vực nội thành. Nhiều công trình trọng điểm đã và đang được gấp rút triển khai.

Đến nay, bảy tuyến cao tốc đã hình thành, rút ngắn thời gian di chuyển và làm mờ khoảng cách địa lý giữa thủ đô và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, từ giữa năm ngoái, dự án đường vành đai 4 đã được triển khai, kết nối liên vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội cũng đã quy hoạch 18 cây cầu vượt sông, trong đó 9 cây cầu đã được xây dựng. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách giữa Hà Nội và các đô thị vệ tinh. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

Tăng cường mở rộng mạng lưới giao thông công cộng Thủ Đô  - Ảnh 3.

Ông Phan Trường Thành từ Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội cho biết: "Chủ tịch UBND TP cũng đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với tất cả các địa phương trên địa bàn tổ chức rà soát toàn bộ đồ án qui hoạch giao thông vận tải để xác định ra một loạt các tuyến đường kết nối. Ngoài những tuyến đường hiện có thì chúng tôi cũng bổ sung cập nhật mười mấy tuyến đường giao thông. Đây là đường bộ để kết nối giữa các địa phương của Hà Nội với vùng thủ dô Hà Nội".

Không chỉ đường bộ trong đề án qui hoạch giao thông thông thủ đô, Hà Nội cũng tính toán kết nối với các địa phương cả về lĩnh vực giao thông đường thủy và đường sắt đô thị. Một số vị trí của các tuyến đường sắt đô thị đã được tính toán để sẵn sàng kết nối với đường sắt đô các địa phương phụ cận. Giao thông luôn được xem là mạch máu của nền kinh tế. Vì thế đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối sẽ là tiền đề để Hà Nội Phát triển xứng với tầm vóc của mình.

Định hướng phát triển của Hà Nội luôn được đặt trong mối quan hệ liên kết vùng, hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, vai trò hạt nhân trung tâm, đầu tầu phát triển của cả Vùng Thủ đô cũng như cả nước. Điều này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước cũng như Thành uỷ, UBND Thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm bệ phóng cho Hà Nội và cho sự phát triển của vùng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước