Tâm tư của những nhân viên y tế học đường kiêm nhiệm

VTV Digital-Thứ tư, ngày 20/12/2023 12:52 GMT+7

VTV.vn - Thiếu vị trí việc làm, các nhân viên không có chuyên môn y tế nhưng vẫn phải kiêm nhiệm làm công việc của nhân viên y tế học đường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm đối với viên chức y tế học đường. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

TP Hồ Chí Minh thiếu nhân viên y tế trường học

Thực tế hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh, do không có biên chế vị trí việc làm ổn định, rất nhiều trường học đang phải bố trí kiêm nhiệm nhân viên phục vụ làm công tác y tế học đường hoặc nhân viên có chuyên môn về y tế phải làm thêm các công việc thuộc nhóm phục vụ, hỗ trợ. Điều đó khiến cho công tác chăm lo sức khỏe cho học sinh chưa thực sự được chú trọng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (Trường THCS Lê Quý Đôn, Quận 11, TP Hồ Chí Minh) là nhân viên phụ trách thiết bị của trường học, làm công việc quản lý toàn bộ thiết bị dạy học của 40 lớp học trong trường. Vừa bàn giao thiết bị cho giáo viên xong, chị lại tất tả chạy xuống tầng trệt để thực hiện công việc của nhân viên y tế trường học, như: khám sức khỏe, cấp thuốc cho học sinh.

Tâm tư của những nhân viên y tế học đường kiêm nhiệm - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Có những trường, nhân viên y tế được đào tạo bài bản nhưng lại gặp khó khăn khác. Như anh Nguyễn Phú Cường (Nhân viên Thủ quỹ, kiêm nhân viên Y tế trường Tiểu học Phùng Hưng, TP Hồ Chí Minh) dù được đào tạo y khoa nhưng do trường không có vị trí chuyên trách y tế nên anh phải tuyển dụng theo biên chế nhân viên thủ quỹ. Thành ra công việc vừa khám sức khỏe chăm sóc bệnh cho học sinh, vừa lo thu tiền học phí, quản lý sổ sách văn thư của trường.

Tâm tư của những nhân viên y tế học đường kiêm nhiệm - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Phú Cường là Nhân viên Thủ quỹ, kiêm nhân viên Y tế trường Tiểu học Phùng Hưng, TP Hồ Chí Minh

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 11 cho biết, số nhân viên y tế chuyên trách tại các trường học trước đây đạt 80%, nhưng giờ chỉ còn chưa tới một nửa. Hiện nay, việc bố trí nhân viên kiêm nhiệm nên những người ứng tuyển nhân viên y tế rất ít. Các trường cho biết, từ khi không còn vị trí nhân viên y tế chính thức số nhân nghỉ việc, tuyển dụng bổ sung không được.

Không có vị trí việc làm rõ ràng cụ thể, những nhân viên y tế trường học, được đào tạo chuyên y khoa, nay lại kiêm nhiệm những công việc khác trong trường, nhiều người không mặn mà nghỉ việc.

Nỗi lo đè lên vai ban giám hiệu, mỗi khi có nhân viên y tế trường học xin nghỉ việc thì tuyển dụng không ra người. Vị trí nhân viên y tế không thể không có, nên nhà trường phải bố trí nhân viên tin học, thiết bị, văn thư, thủ quỹ kiêm nhiệm.

Đề xuất sớm có vị trí việc làm nhân viên y tế học đường

Cũng do kiêm nhiệm, nhiều nhân viên y tế đã nghỉ việc. Chỉ riêng tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh, đến nay chỉ có chưa tới 50% các trường có nhân viên y tế chuyên trách, tức là những người có chuyên môn về y tế. Đây cũng là tình trạng chung của TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

Chị Trần Thị Luyến nhân viên y tế được trường Tiểu học Đề Thám, TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng lao động từ nhiều năm nay. Dù được đào tạo chuyên môn y tế và đã đăng ký tham gia thi tuyển viên chức nhân viên Y tế trường học, nhưng chờ mãi chưa có biên chế chính thức. Đã ngoài 40 tuổi gắn bó hàng chục năm với trường học mà vẫn chưa có vị trí việc làm ổn định. Chị rất băn khoăn không biết có nên tiếp tục đợi biên chế chính thức hay là tìm công việc khác. Mong muốn lớn nhất của chị là có vị trí ổn định để gắn bó, nếu không thì phải tìm một công việc khác ổn định hơn.

Tâm tư của những nhân viên y tế học đường kiêm nhiệm - Ảnh 3.

Chị Trần Thị Luyến (ngoài cùng bên trái) là nhân viên y tế được trường Tiểu học Đề Thám, TP Hồ Chí Minh

Mong mỏi là vậy, nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ nhóm danh mục "hỗ trợ, phục vụ" sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung đã nhận được sự đồng tình lớn.

Theo các trường, vị trí việc làm y tế học đường phải là "chuyên môn đặc thù" trong định biên của nhà trường, họ mới thực hiện tốt nhiệm vụ và tham mưu tốt về phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, đảm bảo an toàn cho học sinh theo đúng nghĩa "Trường học an toàn", Trường học hạnh phúc". 

Bác sĩ chuyên khoa 30 năm làm nhân viên y tế học đường

Thực tế tại các trường có nhân viên y tế học đường chuyên trách, việc chăm lo sức khỏe cho học sinh được tốt hơn. Tại TP Hồ Chí Minh, có một bác sỹ đã gắn bó gần 30 năm với một trường công lập. Dù đồng lương ít ỏi, dù vị trí việc làm lúc chính thức, lúc không. Nhưng đối với ông, an toàn sức khỏe cho học sinh là trên hết.

Gần 30 năm gắn bó với công tác y tế trường học, bác sĩ Huỳnh Trung Tuần (Nhân viên y tế - Trường Tiểu học Trưng Trắc, TP Hồ Chí Minh) là một trong những nhân viên y tế hiếm hoi ở trường học được đào tạo bác sĩ chuyên khoa. Kinh nghiệm nhiều năm, gắn bó với công việc này vì rất yêu học trò và tâm huyết với công tác y tế học đường.

Tâm tư của những nhân viên y tế học đường kiêm nhiệm - Ảnh 4.

Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần (Nhân viên y tế - Trường Tiểu học Trưng Trắc, TP Hồ Chí Minh)

Dù đồng lương ít ỏi ông vẫn gắn bó ở ngôi trường này. Nhưng trăn trở lại nằm ở vị trí công tác, khi mới đây vị trí công việc lại bấp bênh khi bị xếp ra ngoài cùng với các nhân viên phục vụ khác chứ không phải vị trí chuyên trách y tế.

Mong muốn lớn nhất của những nhân viên y tế trường học tâm huyết như bác sĩ Tuần là sớm có vị trí ổn định để đào tạo, chuyển giao công việc quan trọng này cho đội ngũ nhân viên y tế trẻ kế cận. Cũng là góp phần chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần tốt nhất cho học sinh.

Tâm tư của bác sỹ Tuần chắc hẳn cũng là tâm tư của nhiều nhân viên y tế học đường hiện nay. Việc điều chỉnh vị trí nhân viên y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm việc làm chuyên môn sẽ đảm bảo chế độ, chính sách tốt hơn cho các nhân viên y tế trường học, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

Hà Nội: Gần 100 nhân viên y tế học đường bị cắt giảm phụ cấp vì trường tự chủ, “không có công thức” Hà Nội: Gần 100 nhân viên y tế học đường bị cắt giảm phụ cấp vì trường tự chủ, “không có công thức” Nghệ An: Thiếu nhân viên y tế học đường Nghệ An: Thiếu nhân viên y tế học đường Tăng cường thanh, kiểm tra y tế học đường Tăng cường thanh, kiểm tra y tế học đường

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước