“Tấm khiên” vaccine nhìn từ chuyện nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2

Theo TTXVN-Thứ hai, ngày 14/06/2021 11:41 GMT+7

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh tạm thời phong tỏa để tiến hành truy xuất, điều tra dịch tễ. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Theo các chuyên gia y tế, người dân cần có cái nhìn đúng và đủ về vaccine phòng COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay.

Hai ngày qua, những thông tin liên quan đến các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 là nhân viên của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến dư luận lo lắng, thậm chí là ngờ vực về hiệu quả của vaccine Astra Zeneca, nhất là khi các trường hợp nhiễm được ghi nhận đã tiêm đủ 2 liều vaccine này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người dân cần có cái nhìn đúng và đủ về vaccine phòng COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang căng thẳng như hiện nay.

Vì sao nhiều nhân viên y tế mắc COVID-19?

Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến trưa ngày 13/6, bệnh viện đã hoàn thành xét nghiệm RT-PCR cho 887 nhân viên, kết quả có 834 trường hợp âm tính và phát hiện 53 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tập trung tại các phòng ban khối hậu cần của bệnh viện, bao gồm nhân viên phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và nhân viên các phòng chức năng khác như tài chính kế toán, kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược...

Trước đó, ngay khi phát hiện 1 trường hợp nhân viên phòng công nghệ thông tin được sàng lọc qua khai báo y tế có triệu chứng nghi ngờ và làm xét nghiệm cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 11/6, Bệnh viện này đã khẩn trương triển khai các hoạt động sàng lọc truy vết thần tốc và lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện, ưu tiên khẩn cho các trường hợp có liên quan với ca bệnh đầu tiên.

Hiện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tạm thời phong tỏa để xử lý dịch. Tất cả 53 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2 được cách ly điều trị tại các khoa Nhiễm A và D, trong đó 52/53 nhân viên hoàn toàn không có triệu chứng và các nhân viên này đều được tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ 2 liều. Bệnh viện đang phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford theo dõi diễn tiến lâm sàng, nồng độ virus của các ca dương tính sau khi đã tiêm chủng vaccine nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine COVID-19.

“Tấm khiên” vaccine nhìn từ chuyện nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế tiến hành điều tra, truy vết (Ảnh: HCDC)

Về nguồn lây, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, từ các thông tin ban đầu cho thấy, nhiều khả năng chùm lây nhiễm trong bệnh viện bắt nguồn từ khối hậu cần của bệnh viện, có nguồn gốc từ cộng đồng và lan đến một số nhân viên khoa cận lâm sàng qua quá trình làm việc với nhân viên công nghệ thông tin và nhân viên quản trị. Trước đó 3 ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ cho nhân viên y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 trong bệnh viện và đều có kết quả âm tính.

Song song với việc cách ly, điều trị cho các nhân viên y tế mắc COVID-19, bệnh viện đã thực hiện cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính (F1), đồng thời tích cực phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và các địa phương tiến hành khẩn trương, khoanh vùng truy vết các trường hợp tiếp xúc để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong thời gian sớm nhất.

Được biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được Bộ Y tế ưu tiên cấp vaccine Astra Zeneca ngừa COVID-19. Đến nay đã có hơn 900 người, là nhân viên các khoa, phòng, ban của bệnh viện tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đợt 1 tiêm từ ngày 8/3/2021 và đợt 2 từ giữa đến cuối tháng 4/2021.

Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, trong chiều 13/6, có thêm 2 trường hợp là nhân viên y tế của Bệnh viện Nhân dân Gia Định Thành phố Hồ Chí Minh cũng được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Đây là những người có liên quan đến các ca F0 ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Như vậy, với việc liên tục có nhân viên y tế dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 nhưng vẫn dương tính trong những ngày gần đây khiến nhiều người dân đặt ra nghi vấn về chất lượng của vaccine đang triển khai tại Việt Nam cũng như việc có nên tiếp tục sử dụng loại vaccine này?

Vaccine - "tấm khiên" quan trọng trước đại dịch COVID-19

Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tịnh Hiền, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm, cho rằng: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đang ở những thời khắc khó khăn nhưng cần bình tĩnh để nhận định tình hình. Hầu như toàn bộ nhân viên y tế tại Bệnh viện này đã được tiêm chủng đủ 2 liều vaccine Astra Zeneca từ hơn 1 tháng trước. Tuy nhiên, chuyên gia bệnh truyền nhiễm này nhận định, với bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine Astra Zeneca đều không thể bảo vệ 100% người tiêm.

Mặt khác, về vaccine Astra Zeneca, theo thông tin mới nhất sau khi theo dõi thực tế thì những người đã tiêm Astra Zeneca hiệu quả bảo vệ là 60% sau 28 ngày. Đây là khảo sát trên dân số thực hiện ở Anh từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 khi chủng B1.1.7 (Alpha) đang nổi lên, xét nghiệm bằng RT-PCR, trên 159.930 người lớn từ 70 tuổi trở lên. Về vấn đề ngăn ngừa lây nhiễm thì trong khi nghiên cứu vaccine Astra Zeneca người tham gia đã được phết mũi họng mỗi tuần và cho thấy nhóm vaccine có giảm 49,5% các trường hợp nhiễm không triệu chứng so với nhóm chứng.

Cũng theo Giáo sư Trần Tịnh Hiền, trong kết luận của tài liệu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet (Mỹ) vào ngày 8/12/2020 có nói rằng, vaccine Astra Zeneca có một độ an toàn chấp nhận được và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng, không có trường hợp nào phải nhập viện hay trầm trọng trong nhóm tiêm chủng so với nhóm chứng (giúp giảm tử vong và bệnh nặng).

“Tấm khiên” vaccine nhìn từ chuyện nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Các nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Côn Đảo. (Ảnh: TTXVN)

Không ngoài kết quả này, chiều 13/6, từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, hầu hết nhân viên y tế của Bệnh viện hầu như không có triệu chứng bệnh, số ít có triệu chứng như cảm cúm nhẹ. Đặc biệt, kết quả phân tích cho thấy, những nhân viên có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đều có tải lượng virus rất thấp.

Từ kết quả nghiên cứu và thực tế, Giáo sư Trần Tịnh Hiền cho rằng, tiêm vaccine giúp những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 không bị nặng hay tử vong. Mức độ bảo vệ của vaccine Astra Zeneca ở mức từ 60-70% (với vaccine mRNA - loại vaccine mới để bảo vệ chống lại các bệnh lây nhiễm - thì cao hơn, có thể đạt 95%). Bên cạnh đó, tiêm vaccine giúp giảm bớt những trường hợp nhiễm trùng không triệu chứng ở mức 50-60%.

Với phân tích ở trên, Giáo sư Trần Tịnh Hiền cho rằng: Ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vaccine nếu có xảy ra những trường hợp xác định dương tính ở mức độ 5-10% thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng. "Tác động tốt của vaccine không thể chối cãi được đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh cũng như ở nhiều quốc gia khác và con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch COVID-19 là tiêm vaccine có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt", Giáo sư khuyến cáo.

“Tấm khiên” vaccine nhìn từ chuyện nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa: Báo Sức khỏe & Đời sống)

Tương tự, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, lợi ích lớn nhất của việc tiêm vaccine là giúp người bệnh nếu mắc sẽ tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh. Thống kê của hãng Astra Zeneca cho thấy, vaccine có hiệu quả miễn dịch tốt nhất sau khoảng 4-6 tuần kể từ khi tiêm mũi 2, nếu trong 4 tuần đầu tiên, có tiếp xúc với F0 thì nguy cơ cũng cao. Ngay cả người từng mắc COVID-19, nghĩa là có kháng thể, vẫn có khả năng tái nhiễm.

Tiến sỹ Lê Quốc Hùng cũng nhấn mạnh, nếu khoảng 70-80% người trong cộng đồng được tiêm vaccine thì khả năng bảo vệ của vaccine cao hơn nhiều so với một cộng đồng chưa có nhiều người được tiêm vaccine. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh Việt Nam có tỷ lệ tiêm ngừa vaccine còn thấp thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ xảy ra đối với bất kỳ ai dù đã được tiêm ngừa vaccine. Và chỉ tiêm vaccine thôi thì không đủ, cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp 5K mới giúp việc phòng bệnh đạt hiệu quả cao nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước