Sống lại thời kỳ hào hùng qua các nhân chứng và kỷ vật “đi B”

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 29/04/2021 18:31 GMT+7

VTV.vn - Đi B là không hẹn ngày về nhưng với thế hệ chiến sĩ, cán bộ dân chính miền Bắc, đi B là nhiệm vụ cách mạng bí mật, vinh quang nhất trong gần 20 năm kháng chống Mỹ.

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cứ đến những ngày này, người Việt lại nhắc nhau về những trang sử hào hùng, ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống.

Gần 20 năm kháng chiến chống Mỹ, không thể không kể đến sự đóng góp của bao thế hệ chiến sĩ, cán bộ dân chính miền Bắc. Những người vừa mới mười tám đôi mươi, chia tay gia đình để "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". Rất nhiều trong số đó ra đi không dám hẹn ngày về. Nhưng với họ, tham gia kháng chiến tại miền Nam luôn luôn là nhiệm vụ cách mạng bí mật, cao cả, vinh quang nhất. Họ là những người "đi B"

Đi B - Nhiệm vụ bí mật

Năm 1969, bà Phạm Thị Hải Ấm viết đơn tình nguyện đi B khi vừa tròn 21 tuổi. Vì điều kiện chiến tranh nên khi ấy tất cả cán bộ đi B đều phải đi theo con đường bí mật.

"Đi B là phiên hiệu, nghĩa là chiến trường miền Nam. Tất cả tư trang quần áo, giấy tờ nói lên mình là người miền bắc đều phải cất hết. Ảnh gia đình người thân không được mang theo, còn phải thay tên đổi họ. Trước khi đi chỉ biết mình đi vào miền Nam, đi vào vùng giải phóng mở trường cho con em miền Nam. Chia tay bố mẹ anh em là không hẹn ngày về, nhưng quyết tâm là quyết tâm" - bà Ấm, giáo viên tình nguyện đi B kể lại.

Sống lại thời kỳ hào hùng qua các nhân chứng và kỷ vật “đi B” - Ảnh 1.

Từ năm 1969 - 1975, bà Ấm dạy học tại trường đào tạo con em cán bộ trung cao cấp Nguyễn Văn Bé và tham gia hoạt động cách mạng tại vùng B2 (các tỉnh miền Đông Nam Bộ).

Bà Ấm nhớ lại: "Ban ngày, chúng tôi phải tránh vào trong rừng, ban đêm mới ra để dạy bổ túc và làm việc của cách mạng. Dân miền Nam cũng rất ham học, bom đạn như thế nhưng vẫn cố cho con em đi học. Chúng tôi dạy học dưới hầm tránh B52 để đảm bảo an toàn cao nhất".

Chính trong mưa bom bão đạn, bà đã tìm thấy tình yêu của đời mình. Năm 1971, bà và ông Ngô Văn Quý đã tổ chức đám cưới, sinh con đầu lòng ngay tại chiến trường miền Nam.

"Gọi là cưới thì cũng chỉ ở được với nhau đêm đấy, hôm sau lại theo cơ quan vì chạy càn suốt. Chính nhớ thương gia đình là động lực để mình phấn đấu", bà Ấm chia sẻ.

Sống lại thời kỳ hào hùng qua các nhân chứng và kỷ vật “đi B” - Ảnh 2.

NSƯT, đạo diễn Bùi An Ninh theo Sư đoàn 330 vào chiến trường miền Nam năm 17 tuổi với nhiệm vụ đem lời ca tiếng hát phục vụ tinh thần cho bộ đội và nhân dân trong chiến đấu. Bà Ninh cùng đoàn văn công chủ yếu biểu diễn ở dọc tuyến đường Trường Sơn, trên con đường vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Dưới làn bom đạn, giữa những khu rừng còn nồng nặc mùi thuốc súng thậm chí vừa mới bị rải chất độc da cam, vẫn có các bệnh viện, những lớp học, có lời ca tiếng hát và những cơ quan báo chí hoạt động ngày đêm. Cuộc sống vẫn luôn tồn tại ở nơi chiến trường ác liệt nhất với sự chi viện của các cán bộ đi B. Đối với họ, dù có trải qua những mất mát hy sinh, nhưng vào miền Nam, chính là sống với lý tưởng của mình.

Sống lại thời kỳ hào hùng qua các nhân chứng và kỷ vật “đi B” - Ảnh 3.

Giá trị khối hồ sơ kỷ vật của các cán bộ đi B

Bên cạnh các đơn vị chiến đấu trực tiếp, lực lượng cán bộ đi B trong kháng chiến chống Mỹ chủ yếu là các y bác sỹ, giáo viên, kỹ sư, các nhà văn, nghệ sỹ, nhà báo. Khi đi, tất cả những tư trang, hành lý, tài liệu, kỷ vật… đều được gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ đợi ngày họ trở về.

Ít ai biết rằng, hiện nay, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III thuộc Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước vẫn còn lưu trữ và bảo quản gần 72.000 bộ hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B. Trong số đó, 15.000 bộ vẫn chưa được xác nhận hoặc chưa tìm được thân nhân.

Gần 72.000 bộ hồ sơ, kỷ vật là gần 72.000 câu chuyện gắn liền với hàng triệu con người trong chiến tranh. Đó không chỉ là nguồn sử liệu quý giá về một giai đoạn hào hùng của dân tộc mà còn là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần xả thân của thế hệ cha anh.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước