Sơn La: Chủ động khảo sát, sắp xếp, di dời các vùng dân sinh có nguy cơ sạt lở

Duy Trung-Thứ bảy, ngày 21/09/2024 09:53 GMT+7

VTV.vn- Tình trạng sạt lở diễn ra phổ biến ở một số vùng núi của tỉnh Sơn La, nhất là sau cơn bão số 3. Vì vậy, tỉnh này vừa kiểm tra và di dời nhiều vùng dân cư có nguy cơ cao.

Di dời dân khỏi các vùng dân có nguy cơ sạt lở cao

Sau cơn bão số 3, rất nhiều vùng đất tại tỉnh Sơn La có nguy cơ sạt lở cao. Để đảm bảo an toàn về người, tài sản của người dân, các địa phương trong tỉnh đã thành lập nhiều tổ công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình sạt lở. Đồng thời thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận chủ trương di dời khẩn cấp của chính.

Mới đây, Tổ công tác kiểm tra tình hình huyện Bắc Yên phối hợp cùng UBND xã Song Pe đã phát hiện vết nứt gãy trên đỉnh đồi tại khu vực bản Ngậm, xã Song Pe. Điểm sạt lở nằm cách trung tâm bản Ngậm khoảng 200-300m, gây nguy hiểm cho 107 hộ dân, với hơn 500 nhân khẩu của bản đang nằm trong khu vực cung trượt.

Sơn La: Chủ động khảo sát, sắp xếp, di dời các vùng dân sinh có nguy cơ sạt lở - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Minh Hùng cùng đoàn công tác của tỉnh Sơn La đã đến kiểm tra tình hình sạt lở và chỉ đạo công tác bố trí, sắp xếp dân cư các hộ dân bản Ngậm.

Để đảm bảo an toàn về người, tài sản của người dân, UBND xã Song Pe đã chỉ đạo Ban quản lý bản thông tin qua loa phát thanh bản, đề nghị các hộ nhanh chóng di chuyển tài sản, nhà ở đến nơi an toàn.

Đồng thời, đánh dấu các điểm tiềm ẩn cao nguy cơ sạt lở đất và tuyên truyền người dân sinh hoạt quanh đó không đi lại qua khu vực nguy hiểm; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để nhân dân biết, phòng tránh...

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch di dời dân, huyện Bắc Yên đã huy động lực lượng quân đội, công an phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Song Pe.

Đáng chú ý, ngay sau đó, chính quyền đã lên phương án di dời. Tạm thời bố trí cho người dân bản Ngậm đến ở khu tái định cư tại bản Tăng, xã Chiềng Sại trong thời gian chờ xây dựng khu tái định cư khác, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân.

Đến nay, có 100/108 hộ cam kết tự di dời ra ngoài khu vực khung sạt trượt, ký cam kết tự nguyện tham gia dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai; có 2 hộ đã dỡ xong nhà; 12 hộ đã di chuyển tài sản; còn lại đang tiếp tục vận động di chuyển.

Ngày 19/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lò Minh Hùng cùng đoàn công tác của tỉnh Sơn La đã đến kiểm tra tình hình sạt lở và chỉ đạo công tác bố trí, sắp xếp dân cư các hộ dân bản Ngậm.

Cụ thể, về phương án bố trí chỗ ở cho nhân dân, dự kiến bố trí 237 người đến ở tại nhà văn hóa, trạm y tế cũ và trường học tại xã Chiềng Sại; 133 người ở khu Tái định cư Suối Tào bản Tăng, xã Chiềng Sại; còn 154 người không có mặt tại địa phương.

Đặc biệt, chính quyền Sơn La dự kiến vị trí điểm tái định cư tại khu suối Cạn, bản Ngậm, diện tích 7 ha, đảm bảo quy mô cho 108 hộ, cách bản cũ khoảng 3 km có khả năng kết nối giao thông với bản Mong, xã Song Pe và bản Suối Chạn, xã Hồng Ngài. Vốn đầu tư dự án khoảng 80 tỷ đồng.

Tăng cường công tác bảo vệ rừng để ngăn ngừa sạt lở

Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu) là một xã có địa hình khá phức tạp, nhiều khe, suối, thác nước có độ dốc cao. đặc biệt, khu vực trung tâm xã tập trung đông dân cư, bao quanh là đồi, nương có địa chất không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ngập lụt khi mưa lũ.

Sơn La: Chủ động khảo sát, sắp xếp, di dời các vùng dân sinh có nguy cơ sạt lở - Ảnh 2.

Chính quyền địa phương chủ động di dời dân cư ở các cùng có nguy cơ sạt lở

Trước thực trạng đó, ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Chiềng Hắc đã tập trung rà soát các khu vực xung yếu, xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Trong đó, đặc biệt chú ý đối với những khu vực xung yếu dễ bị sạt lở đất, lũ quét tại các bản Tong Hán, Tà Số 1, Tà số 2, Pa Phang 2, Tát Ngoãng, Long Phú...

Hiện địa phương này cũng đã lên kế hoạch phòng, chống sạt lở sau bão, lựa chọn 3 điểm di dân ở tạm tại các trường học, nhà văn hóa xã, Bên cạnh đó có kế hoạch cụ thể về việc huy động các hộ có máy xúc, xe tải để hỗ trợ nhân dân di dời nhanh chóng khi xảy ra thiên tai, sạt lở đất, tránh thiệt hại, giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Đồng thời, công tác kiểm tra tình hình cũng như tuyên truyền nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan; chủ động các biện pháp phòng, chống mưa lũ...vẫn được thực hiện thường xuyên.

Trong nhiều năm qua, nắm được tình trạng và nguy cơ sạt lở tại các địa bàn, xã Chiềng Hắc đã có kế hoạch phòng chống dài hơi. Trong đó, vận động nhân dân trồng cây ăn quả và cây gỗ thay cho diện tích trồng ngô ở khu vực dễ bị sạt lở và tăng cường công tác bảo vệ rừng. Theo thống kê, hiện nay, diện tích ngô trong xã còn 2.000 ha, giảm 2.500 ha so với năm 2016; diện tích cây ăn quả tăng lên 1.700 ha; diện tích trồng rừng trồng gần 5.000 ha...Qua đó hạn chế được tình trạng xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nhờ đó, Chiềng Hắc không bị thiệt hại nặng về người và của do bão lũ, sạt lở.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước