Số ca tay chân miệng tăng cao: Cần tính toán dự trữ thuốc lâu dài

Vũ Em-Thứ năm, ngày 06/07/2023 21:25 GMT+7

VTV.vn - Năm nay, số ca tay chân miệng nặng tăng cao, một số tỉnh, thành gặp khó khăn về nguồn thuốc. Do đó, các bệnh viện cho rằng cần tính đến bài toán dự trữ lâu dài.

Dự báo số ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng

Số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng nếu không quyết liệt các biện pháp phòng bệnh. Đây là nhận định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về tình hình hai dịch bệnh hiện nay và kêu gọi cộng đồng chung tay phòng chống.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh dự báo, cao điểm của sốt xuất huyết sẽ bắt đầu từ tháng 7. Thống kê cho thấy, tại các điểm giám sát, hơn một nửa đều phát hiện có lăng quăng. Tỷ lệ này dự báo tiếp tục tăng khi TP Hồ Chí Minh liên tục có mưa. Do đó số ca mắc sốt xuất huyết dự kiến có khả năng tăng cao.

Với bệnh tay chân miệng, hiện có 118 ca bệnh nặng đang điều trị tại các bệnh viện của thành phố và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới vì có liên quan đến virus EV71.

Bài toán dự trữ thuốc điều trị tay chân miệng

Số lượng ca mắc tay chân miệng gia tăng đã tạo nên áp lực điều trị, nhu cầu thuốc điều trị vì thế cũng tăng theo. Bộ Y tế cho biết hiện có 6.000 chai thuốc tiêm tĩnh mạch đã được nhập khẩu về Việt Nam đáp ứng điều trị trong vòng 2 tháng tới. Số lượng thuốc cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, thực tế bệnh tay chân miệng năm nào cũng tăng cao và bài toán dự trữ những loại thuốc cho bệnh này đã được đặt ra.

Số ca tay chân miệng tăng cao: Cần tính toán dự trữ thuốc lâu dài - Ảnh 1.

Trẻ mắc tay chân miệng được điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: PLO)

Hiện nay, số lượng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng đang được dự trữ tại các kho dược của các bệnh viện. Tuy nhiên số lượng cũng rất hạn chế. Chính vì vậy các bệnh viện kỳ vọng thời gian tới sẽ có những phương án dự trữ để kịp thời cung ứng điều trị cho các ca tay chân miệng.

IVIG là loại thuốc điều trị tay chân miệng nặng. Thuốc này trong nước chưa sản xuất được mà hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu. Hàng năm, các bệnh viện đều dự trù.

Tuy nhiên năm nay, số ca tay chân miệng nặng tăng cao, một số tỉnh, thành gặp khó khăn về nguồn thuốc. Do đó các bệnh viện cho rằng cần tính đến bài toán dự trữ lâu dài.

"Ngoài việc dự trù cấp bệnh viện, cũng cần có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành dịch tễ để dự đoán dịch", Dược sĩ Nguyễn Công Nhận, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Thuốc IVIG điều trị tay chân miệng được điều chế từ nguồn huyết tương. Tuy nhiên nguồn cung huyết tương trên thế giới khó khăn. PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học TP Hồ Chí Minh cho biết, đây là lý do Việt Nam cần tính phương án đặt hàng sớm theo quy mô quốc gia.

"Bây giờ phải bổ sung vào kế hoạch dự trữ, đề phòng của quốc gia và Bộ Y tế phải đứng ra dự trù cái thuốc này. Tiến hành mua, tiến hành dự trữ và phân bổ cho các bệnh viện khi cần thiết chứ không phải cứ đến ngày có bệnh đó là mình thiếu thuốc", PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội Dược học, TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Trong cuộc họp mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị về các giải pháp trữ thuốc. Đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết hiện cũng đã tính phương án trữ những loại thuốc hiếm. Tuy nhiên cơ chế như thế nào vẫn đang được bàn thảo.

"Phương án là giao cho các đơn vị để dự trữ thuốc. Quan trọng cơ chế là chúng ta xác định mặt hàng nào, nguồn cung ứng từ đâu. Phương pháp chúng ta mua sắm dự trữ là như thế nào, mua sắm như thế nào", ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho hay.

Tay chân miệng là dịch bệnh lưu hành hàng năm. Do đó, các chuyên gia cũng cho rằng cần sớm có các phương án căn cơ để chủ động nguồn thuốc khi số ca nặng còn tăng cao và dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bệnh viện xoay xở điều trị khi trẻ mắc tay chân miệng gia tăng Bệnh viện xoay xở điều trị khi trẻ mắc tay chân miệng gia tăng

VTV.vn - Những ngày này, tại các bệnh viện, số ca mắc bệnh tay chân miệng gia tăng cao khiến các bác sĩ đang phải "căng mình" điều trị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước