Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 12/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Chỉ hơn 1 nửa sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành đúng nghề được đào tạo trong khi doanh nghiệp vẫn khó tìm đúng, tìm đủ nhân sự phù hợp.

Chỉ hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp được làm đúng ngành đào tạo

Chọn trường, đỗ được đại học, trường tên tuổi, khoa nổi tiếng, ngành nổi tiếng…. còn việc làm sau này khoan khoan hãy tính. Nhiều bậc phụ huynh, học sinh đâu đó vẫn còn tâm lý như vậy.

Nhưng liệu ngành nghề đó có hợp với con em mình hay không? Hay các em học xong sẽ làm đúng ngành nghề đó đã được học, đào tạo hay không?

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, khi đi xin việc làm chỉ có hơn một nửa số sinh viên tốt nghiệp được vào làm đúng với ngành đào tạo mà thôi. Con số này chắc hẳn sẽ khiến cho nhiều phụ huynh, các thí sinh vừa hoàn thành kỳ tuyển sinh năm nay đắn đo, suy nghĩ.

Số còn lại chỉ liên quan đến ngành đào tạo là 25%, thậm chí không liên quan đến ngành đào tạo là 19%. Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quý 2 năm 2022, xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động đối với nhân lực trình độ đại học là 49,7%, cao đẳng và trung cấp là 30,5%; trong khi đó, nhu cầu của người tìm việc có trình độ đại học là 61,1%, cao đẳng và trung cấp là 33%...

Khách quan mà nói, trong bối cảnh dịch bênh, các em tốt nghiệp, ra trường và tìm được việc đã là rất thuận lợi rồi, chưa phải là đúng ngành đúng nghề. Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT trong 2 năm COVID 19, khoảng 70% sinh viên là có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng - Ảnh 1.
Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng - Ảnh 2.
Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp thiếu lao động nghề trầm trọng

Hiện nay, ở một số ngành nghề phổ thông như điện, điện tử, kỹ thuật, may mặc, da giày... mặc dù số lượng đơn hàng sụt giảm nhưng các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp vẫn thiếu cả lao động phổ thông và lao động kỹ thuật. Hầu hết các nhà máy đều đăng biển tuyển dụng lao động và để phòng trường hợp thiếu lao động vào dịp cuối năm. Nhiều doanh nghiệp còn tuyển nhiều hơn số lượng cần thiết.

Tuyển dụng lao động kỹ luôn là bài toán đau đầu với doanh nghiệp. Cần 300 lao động phổ thông và 100 lao động kỹ thuật nhưng đã trưng biển đến cả mấy tháng nay mà một công ty ở Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh vẫn chưa tuyển đủ.

Tại Bắc Ninh, nhiều năm nay tình trạng thiếu lao động kỹ thuật diễn ra liên tục mà chưa tìm được nguồn bù đắp. Ước tính cả tỉnh cần hơn 10 nghìn lao động kỹ thuật ở các ngành nhưng mỗi năm các trường nghề trên địa bàn chỉ có sinh viên ra trường.

Trong 5 năm qua, số lao động kỹ thuật hầu như không tăng trong khi các nhà máy mở ra ngày càng nhiều. Sự mất cân đối giữa tỷ lệ học đại học và học nghề dẫn tới sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều gây lãng phí trong khi sản xuất không phát triển được vì thiếu người làm việc trực tiếp trong các nhà máy.

Các doanh nghiệp đang bước vào mùa sản xuất cao điểm trong năm. Do khan hiếm lao động có tay nghề đã dẫn tới sự lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng giữa các doanh nghiệp.

Sinh viên ra trường khó làm đúng nghề, doanh nghiệp lại thiếu lao động trầm trọng - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp chủ động thúc đẩy quá trình đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao

Do thiếu lao động nghề trầm trọng nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dẫn dắt, thúc đẩy quá trình đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá phục hồi sản xuất cũng như chủ động liên kết với các trường để đào tạo lao động kỹ thuật cho doanh nghiệp của mình.

Giờ đây doanh nghiệp trở thành một trường nghề thứ hai cho các thợ trẻ. Việc đào tạo được gắn chặt chẽ với nhu cầu tuyển dụng, phục vụ hoạt động sản xuất, cải thiện nâng cao năng suất lao động tại chính doanh nghiệp.

Hiện nay, có rất nhiều hướng học tập, phát triển nghề nghiệp và cơ hội việc làm. Thay vì nghĩ rằng con tôi học trường này, khoa này, có vị trí trong giảng đường ở một đại học nào đó là vui, là tốt rồi… "đỗ đại học đã rồi tính sau".. thì hãy cùng định hướng với các em ngành nghề nào, lựa chọn nào phù hợp với con em mình trong tương lai. Tránh tình trạng học 4 năm trường đại học mà cuối cùng sau khi tốt nghiệp để tìm được việc làm thì phải chấp nhận làm việc trái với nghề được đào tạo, thậm chí là đi làm những công việc chẳng cần đến 4 năm ngồi giảng đường.

Rõ ràng cũng không thể thiếu vai trò của các cơ sở giáo dục đào tạo, trường học, cơ quan liên quan trong việc hướng nghiệp, phân luồng, cung cấp thông tin thị trường lao động, nghề nghiệp để các em có các quyết định phù hợp trong quá trình học tập và phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước