Sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc là do đâu?

Nguyễn Ngân (Ban Thời sự)-Thứ ba, ngày 30/08/2016 09:57 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh sự tác động khách quan của tự nhiên, những tác động của con người đang khiến quá trình sạt lở diễn ra sớm và cường độ mạnh hơn, điển hình như ở Sơn La.

Tại huyện Yên Châu, Sơn La, cả quả đồi thuộc địa phận bản Mơ Tươi đổ sập, chia cắt cả quãng đường dài gần 200 m khiến người dân 2 xã Chiềng Tương và Lóong Phiêng khi đi qua đây đều phải có sự hỗ trợ của bà con dân bản. Lực lượng chức năng đang khẩn trương khắc phục hậu quả bằng cách làm những con đường đi tạm. Với những đoạn đường sạt lở nặng, những cầu treo và đập tràn đã bị cuốn trôi hoàn toàn thì công tác khôi phục dự kiến nhiều tháng nữa mới hoàn thành.

Trong khi đó, vụ sạt lở nghiêm trọng tại bãi vàng ở bản Mà Sa Phìn, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã tiếp tục xác định thêm danh tính 2 người tử vong, 2 người hiện vẫn đang mất tích nâng số công nhân tử vong tại đây lên 9 người.

Sạt lở nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc là do đâu? - Ảnh 1.

Không chỉ riêng Lào Cai và Sơn La mà tình trạng sạt lở nghiêm trọng đang diễn ra trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc. Mức độ được đánh giá là mạnh nhất trong 10 năm qua. Theo các chuyên gia và các nhà khoa học, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự phát triển thiếu quy hoạch, không thuận theo tự nhiên đang xảy ra tại nhiều địa phương trong đó nổi lên tình trạng phá rừng và khai thác khoáng sản tràn lan thời gian qua.

Dưới góc độ khoa học, điều kiện địa lý, địa chất, địa hình tại khu vực miền núi cộng với quá trình tự vận động của trái đất đã khiến nguy cơ sạt lở đất luôn tiềm ẩn tại khu vực này nhất là khi mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, quá trình này xảy ra sớm hơn vì những tác động chủ quan của con người như phá rừng, khai thác khoáng sản tràn lan, thiếu quy hoạch trong xây dựng, bố trí dân cư, lỏng lẻo trong công tác giám sát, tuyên truyền cảnh báo về thiên tai và nâng cao ý thức của người dân.

Thảm phủ thực vật, nhất là hệ sinh thái rừng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hạn chế lũ quét, sạt lở đất. Tuy nhiên, thực tế, theo khảo sát của các chuyên gia, hiện độ phủ chỉ còn rất thấp, 30-40%. Nhiều địa phương chưa có những quy hoạch dân cư gắn với phòng tránh thiên tai.

Theo bản đồ hiện trạng sạt lở đất Viện Địa chất Khoáng sản đang xây dựng, các vùng đặc biệt nguy hiểm là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên. Dự kiến đến năm 2020, bản đồ chi tiết quy hoạch vùng sạt lở mới hoàn thành. Trong khi, hàng nghìn người dân tiếp tục đối diện với nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ khi nào.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu phải có kế hoạch tổng thể di dời các công trình, nhà ở của người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, không để xảy ra tình trạng "cứ sạt lở xảy ra mới di dời dân". Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Kế hoạch đầu tư, Xây dựng, Tài chính và UBND các địa phương sớm lập một bản đồ chi tiết những điểm nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, trước mắt tại các tỉnh miền núi phía bắc để từ đó có kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm di dời những công trình, nhà cửa nằm trong khu vực nguy hiểm.

Lào Cai xác nhận 6 công nhân khai thác vàng thương vong do sạt lở Lào Cai xác nhận 6 công nhân khai thác vàng thương vong do sạt lở Yên Bái xuất hiện hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở Yên Bái xuất hiện hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở Sẽ có bản đồ chi tiết khu vực sạt lở vùng miền núi phía Bắc Sẽ có bản đồ chi tiết khu vực sạt lở vùng miền núi phía Bắc

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước