Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bao gồm các đảo như Hòn Mun, Hòn Tre, Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Cau, Hòn Vung… và vùng nước xung quanh. Tổng diện tích khoảng 160km2, bao gồm 122km2 vùng nước xung quanh các đảo. Trong đó, Hòn Mun là vùng bảo vệ nghiêm ngặt vì ở đây có hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều du khách trong và ngoài nước trở lại Nha Trang đi các tour lặn biển, ngắm san hô tỏ ra tiếc nuối vì chứng kiến các rạn san hô trong vịnh Nha Trang đã chết hàng loạt, chỉ còn cảnh hoang tàn. Đặc biệt tại khu vực đảo Hòn Mun, tỉ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5% trên diện tích hàng trăm mét vuông.
Thực trạng được ghi nhận từ chính du khách, người dân và các nhà khoa học. Ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết có nhiều nguyên nhân làm suy giảm hệ sinh thái rạn san hô Hòn Mun. Trong đó, phần lớn là do thiên tai và hiện tượng tẩy trắng san hô.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, những nguyên nhân cơ quan quản lý phân trần san hô chết vì thiên tai, địch họa… đều đúng. Tuy nhiên còn một nguyên nhân vô cùng lớn là do sự tác động mạnh từ con người.
"Vịnh Nha Trang nói chung và hệ sinh thái san hô trong vịnh đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Hàng loạt công trình lấn, lấp biển đã làm các rạn san hô biến mất, điều này rất có hại cho tương lai" - PGS.TS Nguyễn Tác An đưa ra ý kiến.
PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng cần có một đánh giá khách quan, khoa học về nguyên nhân thực sự của việc san hô chết hàng loạt ở Hòn Mun để từ đó có chính sách bảo tồn và phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!