Đại dịch COVID-19 hữu hình và trực diện nhưng đại dịch cô đơn, trầm cảm có lẽ khốc liệt không kém khi nó âm thầm len lỏi vào đời sống của chúng ta. Bởi vậy mà trong thông điệp đầu năm mới, LHQ đã gọi 2021 là năm để chữa lành - "Year of healing".
Hành trình tự chữa lành của rất nhiều người đã bắt đầu bằng những phương thức đơn giản nhất, chậm rãi nhất.
Khu cách ly ở phường 14, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, ngoài lương thực thực phẩm, thuốc men, người dân ở đây được tặng sách. Những ngày cả thành phố oằn mình chống dịch, sách vẫn tới tận tay mọi người, dù là ở trong các khu phong tỏa, các khu cách ly, hay bệnh viện dã chiến.
Ở một số quốc gia, sách được coi là mặt hàng thiết yếu. Dù phong tỏa, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, hiệu sách vẫn được mở cửa. Bởi với họ, sách cũng cần như thức ăn, nước uống hàng ngày hay thuốc men vậy.
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí đang trầm lắng vì dịch bệnh. Khi các show diễn âm nhạc, phim ảnh, sân khấu kịch đều ngưng trệ, podcast nhanh chóng trở thành món ăn tinh thần được yêu thích. Podcast hiểu đơn giản là các chương trình âm thanh mà bạn có thể nghe trên các ứng dụng hoặc tải về.
Thế mạnh của podcast so với các nền tảng giải trí bằng hình ảnh là nó không đòi hỏi người nghe phải tập trung 100% năng lượng tinh thần. Nhiều người có thể kết hợp nghe podcast khi đang lái xe, tập thể dục, đi bộ, nấu ăn... Đặc biệt trong mùa dịch, việc ở nhà quá lâu khiến nhiều người buộc phải tìm đến các thú vui "chậm" như nấu ăn, trồng cây, viết nhật ký... rất phù hợp để ghép với nghe podcast.
Một lợi thế khác là podcast mang đậm cá tính của người làm. Nếu tác giả của podcast hoài vọng về con đường chữa lành, họ sẽ dốc sức để tạo nên những sản phẩm mang tính chia sẻ, xoa dịu nỗi niềm. Nghe được một podcast đồng điệu có thể giúp chữa lành sự cô đơn cho nhiều người nghe trong những ngày giãn cách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!