Thử lên Facebook mua sách, không khó để tìm ra những trang bán sách có tên rất kêu như: "Tổng kho sách", "Thanh lý sách của NXB", "Sách hay thanh lý", "Xưởng sách"… Tất cả đều xoay quanh chủ đề hấp dẫn là sách hay, sách thật nhưng... giá rẻ.
Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch và bản quyền, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cho biết: "Họ chạy quảng cáo trên Facebook rất mạnh, lọc đối tượng để tiếp cận nhanh và nhiều. Dùng tên và logo của chính NXB. Hình ảnh đăng lên là sách thật và đưa ra lý lẽ là tuồn từ xưởng in ra nên là sách thật có giá rẻ nhưng thật ra là sách giả".
Nhưng ngay cả chuyện giá rẻ cũng là giả. Để chứng thực một bộ sách của NXB Kim Đồng đang bán rất chạy trên Facebook, cán bộ của chính NXB này đã đặt mua trọn bộ để kiểm chứng.
"Mức giá bị nâng lên rồi người bán nói là sale thì tưởng là rẻ. Bộ này in rất tinh vi, mở sản phẩm ra xem thật kỹ mới biết là sách giả. Các đối tượng sẽ làm giả những cuốn sách hot, best seller hoặc bán theo bộ thì lợi nhuận sẽ cao hơn" - Chị Nguyễn Lê Việt Hà, Phó Phòng kinh doanh, Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết.
Sách giả được quảng cáo rầm rộ trên Facebook.
Nếu như trước đây sách giả thường xuất hiện trên vỉa hè, góc phố thì giờ đã nâng cấp hơn rất nhiều trên các chợ điện tử, các gian hàng trên mạng. Sách giả nhanh chóng len lỏi trên thị trường dưới đủ dạng từ tinh vi đến thô sơ.
Sách giả in ngày càng tinh vi hơn, chi tiết giống hệt sách thật, thậm chí tem chống hàng giả bị làm giả khiến những ai đặt mua qua mạng khi nhận sách cũng khó phân biệt. Mức độ làm sách giả tinh vi và trắng trợn của các trang Facebook đang làm đau đầu các nhà phát hành sách chân chính bởi rất khó kiểm soát và xử lý triệt để sách giả trên mạng xã hội.
Nhiều lần đại diện Công ty Nhã Nam làm việc với Facebook để báo cáo các trang giả mạo, trang bán sách giả nhưng quy trình mất nhiều thời nên cứ chặn được trang này thì lại có nhiều trang khác mở ra.
Mạng xã hội đang là môi trường lý tưởng, dễ dàng mở tài khoản, thông tin về người bán không rõ ràng nên rất khó truy vết. Đáng lo ngại hơn, gần đây, sách thiếu nhi đang bị làm giả tràn lan và công khai. Khi sách giả, sách lậu lộng hành, các đơn vị sách nước ngoài có thể dừng bán bản quyền cho Việt Nam làm mất uy tín và thiệt hại rất lớn về kinh tế cho các nhà xuất bản.
Tháng 5 vừa qua, 3 nhà sách ở Bình Định đã bị khởi tố vì làm giả và bán sách giáo khoa, tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Đây là vụ buôn bán sách giả hiếm hoi bị khởi tố, còn lại đa số các vụ việc đều phát hiện muộn hoặc chỉ xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.
Để ngăn chặn sách giả trên môi trường mạng, các nhà xuất bản đã chủ động hợp tác chặt chẽ với nhiều trang thương mại điện tử. Gian hàng, nhà cung cấp nào bán sách giả sẽ bị phát hiện và dừng hoạt động ngay tuy nhiên, với mạng xã hội Facebook vẫn là bài toán nan giải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!