Tiếp nối thành công của các kỳ tổ chức chương trình "Happy Tết" vào dịp tết Nguyên đán các năm vừa qua, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Happy Tết 2024 với chủ đề "Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống" là sự kết hợp độc đáo của nét truyền thống Tết Cung đình xưa với văn hóa Tết nay tạo nên không gian lan toả, linh thiêng và sống động đã được tổ chức tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ ngày 24 - 28/1/2024.
Không gian chợ hoa Long Biên tái hiện tại "Happy Tết 2024".
Với quy mô 3.000 - 3.500m2, được thiết kế, trang trí hoành tráng, công phu và đầy sáng tạo đã giới thiệu ngày Tết truyền thống, điểm đến du lịch, giá trị văn hóa, di sản... các vùng miền trên cả nước.
Nhiều không gian được dựng trưng bày phục vụ du khách tại chương trình như: "Chuyến tàu Quê hương", "Không gian nhà Hà Nội xưa", "Không gian Tết miền Trung", "Không gian Tết miền Nam", "Không gian Tết sắc màu Dân tộc", "Không gian quảng bá ẩm thực" được sắp đặt dàn dựng cùng với các tiểu cảnh giới thiệu điểm đến du lịch nổi tiếng của Hà Nội như: cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, chợ hoa Mê Linh, Tây Hồ... Đặc biệt là các gian hàng mô phỏng nhà Phố Phái tái hiện phố cổ Hà Nội một thời giao thương tấp nập.
Du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực khắp các vùng miền.
Đến tham quan khu trải nghiệm, bạn trẻ Phạm Thanh Ngọc (23 tuổi) hào hứng với không gian Tết trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long: "Mình khá ấn tượng với nhiều hoạt động tại đây, đến chứng kiến và trải nghiệm thậm chí được thưởng thức những món ngon truyền thống của 3 miền. Hy vọng không chỉ bản thân mình mà tất cả mọi du khách khi đến tham quan sẽ hiểu hơn về nét văn hóa Tết cổ truyền thống của dân tộc".
Chương trình thu hút nhiều du khách đến tham quan
Nghệ nhân Hoàng Trung Hương - nghệ nhân nấu bánh chưng làng Trò, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: " Đoàn nghệ nhân đất tổ mang thịt, gạo, đỗ, lá, để gói bánh chưng, góp phần vào không khí Happy Tết tại Hoàng thành Thăng Long năm nay. Bánh chưng đã có từ rất lâu, mọi người thường biết đến bánh chưng qua câu chuyện Hoàng tử thứ 9 Lang Liêu sáng tạo ra. Tương truyền rằng xưa kia Lang Liêu cùng bà con trồng lúa nếp, dùng lúa nếp gói bánh dâng lên vua cha, từ đó về sau các làng, xã tỉnh Phú Thọ luôn giữ truyền thống gói bánh chưng cho đến nay".
Điểm nhấn của hoạt động chuỗi trải nghiệm là hình ảnh nhà ga với chuyến đi ý nghĩa đặc biệt, đưa người con xa quê về quê ăn Tết. Đây cũng là không gian check-in của người đến tham quan. "Chuyến tàu quê hương" có ý nghĩa sẽ đưa người dân và du khách chiêm ngưỡng những vườn xuân rực rỡ hương sắc.
Du khách chụp hình tại khu trưng bày nhà ga.
Nhà thư pháp Dương Đức Thắng chia sẻ: Tôi may mắn được mời tới đây, dựng gian hàng thư pháp Hán - Việt để có cơ hội đưa những nét chữ đến du khách quốc tế. Những tờ thư pháp được khách mua về treo ở nhà là động lực to lớn cho người chơi chữ. Mỗi chữ của thư pháp có tượng hình, kết cấu đẹp, có khối, bộ, được treo rất trang trọng, động viên người chơi chữ khách đến chơi được hiểu nghĩa của câu chữ".
Hoạt động viết thư pháp thu hút sự yêu thích của nhiều người tham quan.
Đặc biệt tại chương trình tái hiện lại lễ rước diều với sự tham gia của Trung tâm Bảo tồn di sản Văn hóa diều Việt Nam và Câu lạc bộ diều tại Hà Nội, lần đầu tiên những cánh diều đặc sắc nhất được trưng bày cùng nghi lễ rước diều cổ linh thiêng và nhiều ý nghĩa.
Tái hiện lại lễ rước diều.
Du khách hào hứng tham gia vào lễ rước diều.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền, Thanh Oai, Hà Nội: "Những chiếc diều mang đến đây đều theo lối cổ, được cải tiến nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, đây là nét văn hóa của cha ông để lại. Từ thời nhà Trần đã dùng diều giấy để chạy giặc. Các trò chơi dân gian nói chung và diều sáo nói riêng, có những giai đoạn thực sự mai một nhưng hiện nay nhà nước đã có chủ trương bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian trong đó có diều sáo, từ đấy phong trào chơi diều được phục hồi. Chúng tôi hy vọng rằng trò chơi dân gian nói chung và diều sáo nói riêng được bảo tồn lâu dài, không bị mai một".
Không chỉ thưởng thức món ăn các vùng miền, du khách còn được trải nghiệm hoạt động ẩm thực.
"Happy Tết 2024" góp phần mang nét văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam đến du khách quốc tế.
Ngoài ra còn có các hoạt động văn nghệ truyền thống của các dân tộc mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách
Chương trình "Happy Tết 2024 - Lan tỏa bản sắc văn hóa Tết truyền thống" được diễn ra từ ngày 24 - 28/01/2024. Cùng với nhiều hoạt động thú vị, đây sẽ là điểm đến tham quan đặc biệt cho du khách.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!