Sáng 4/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình tiến hành Hội nghị lần thứ 20 để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, công tác xây dựng Đảng năm 2024. Đồng thời, đề ra các giải pháp trọng tâm để thực hiện trong năm 2025.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang cho biết, năm 2024 được xác định là năm bứt phá, tăng tốc, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024 vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang đề nghị các đại biểu trên cơ sở đánh giá một cách khách quan và toàn diện cả về những kết quả đã đạt được cũng như khuyết điểm, hạn chế, các vấn đề còn tồn động, các chỉ tiêu không đạt, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Xác định rõ các nguyên nhân chủ quan của hạn chế, khuyết điểm, để thấy rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân, từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2025, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Năm 2025, tỉnh Quảng Bình chú trọng các giải pháp, nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, sản xuất, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở ...góp phần giải phóng nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu khai mạc Hội nghị.
Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật tài chính, ngân sách nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là từ thương mại điện tử. Tiếp tục giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh; giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án phát triển quỹ đất, các dự án khu nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng thu ngân sách.
Các đơn vị, địa phương theo dõi, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị. Tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu... Tập trung thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư.
Ngoài ra, cần huy động các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch với phương thức đa dạng, nội dung phong phú, chuyên biệt hóa cho từng phần khúc thị trường mục tiêu. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để thu hút khách du lịch.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát huy tối đa các tiềm năng các tiềm năng lợi thế. Trong đó, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; tiếp tục chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP; tích cực phát triển, nâng cấp sản phẩm OCOP 5 sao. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo. Đồng thời, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn các dự án công nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng để đưa vào hoạt động trong năm 2025 và sớm hoàn thành, đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1.
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đạt và vượt 20/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội so với kế hoạch đề ra, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,18%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước thực hiện hơn 6.960 tỷ đồng, vượt 14% so với dự toán địa phương; tăng gần 22% so cùng kỳ.
Tuy bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 6, song tính chung cả năm, ngành nông nghiệp vẫn đạt giá trị tăng trưởng 3,02% (năm 2023 đạt 2,78%). Kinh tế dần phục hồi đã thúc đẩy thương mại, dịch vụ có sự tăng trưởng khá. Đặc biệt, ngành du lịch đã triển khai hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch với phương thức đa dạng, nội dung phong phú..., tổng lượt khách du lịch đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Các cấp ủy, chính quyền đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án, nhất là các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, như: Trung tâm văn hóa – thể thao tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cơ sở 2, Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3, Mở rộng sân đỗ máy bay và xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng Hàng không Đồng Hới, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, 2… được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm tiếp tục được quan tâm. Số hộ nghèo giảm 2.103 hộ. Công tác quản lý khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tiếp tục được giám sát chặt chẽ; tăng cường công tác dự báo, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn khi có thiên tai xảy ra./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!