Quận Long Biên: Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau củ quả an toàn

Yến Chi-Thứ bảy, ngày 21/10/2023 17:04 GMT+7

Hà Nội có thêm trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cung cấp rau an toàn cho hệ thống bếp ăn phục vụ suất ăn bán trú, giúp phụ huynh yên tâm hơn về an toàn bữa ăn bán trú của học sinh.

VTV.vn - "Phương án trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" rộng hơn 2 ha tại quận Long Biên cung cấp rau an toàn cho hệ thống bếp ăn phục vụ suất ăn bán trú.

Lễ khởi công "Phương án trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" đã diễn ra tại Long Biên, Hà Nội sáng 21/10.

"Phương án trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" do công ty Hương Việt Sinh làm chủ đầu tư, UBND quận Long Biên phê duyệt, có diện tích hơn 21.000 m2 tại khu Rich, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Mục tiêu là tạo ra hướng đi mới trong sản xuất rau, quả an toàn với hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên nhấn mạnh "Phương án trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" tại phường Giang Biên là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng của phường Giang Biên hướng tới kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển quận Long Biên.

Quận Long Biên có trên 1.100 ha đất nông nghiệp, đất bãi bồi ven sông, chiếm 18,3% diện tích đất tự nhiên toàn quận. Trong đó, khu vực đất nông nghiệp, đất bãi bồi, bãi nổi ven sông Đuống thuộc địa giới hành chính của phường Giang Biên, Phúc Lợi là khu vực có vị trí thuận lợi, có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong việc phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Tuy nhiên, khu vực này chủ yếu là trồng cây ăn quả, trồng rau, cây hàng năm; nhiều diện tích hiện bỏ hoang hóa. Năm 2023, UBND quận đã phê duyệt phương án quản lý khai thác quỹ đất nông nghiệp công ích, đất bãi bồi, bãi nổi ở một số phường để tổ chức đấu giá, lập mô hình kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng các liên kết, chuỗi giá trị, chuối thực phẩm an toàn (chuỗi rau, quả…) từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để nâng cao hiệu quả vùng sản xuất.

Trang trại sẽ xây dựng một số mô hình sản xuất rau an toàn, nấm ăn chất lượng cao theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sản xuất ra sản phẩm rau sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường, đạt chuẩn theo tiêu chí: không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng giống biến đổi gen, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng thuốc kích thích, quy trình sản xuất rau quả tuân thủ theo tiêu chuẩn Vietgap.

Từ đây, sẽ hình thành và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp giá trị dinh dưỡng cao, góp phần tăng thu nhập cho người lao động.

"Trang trại ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất rau, nấm ăn các loại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào, giảm tác hại của điều kiện ngoại cảnh, giảm chi phí lao động, cải thiện thu nhập theo hướng bền vững. Bằng việc áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa tiết kiệm, giống chất lượng cao, dự án sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ diện tích đất bỏ hoang hoá chuyển sản sản xuất rau, nấm ăn nhằm giảm thiểu diện tích đất bỏ hoang hoá, nâng cao giá trị sử dụng đất", bà Vũ Lan Sinh, Chủ tịch công ty TNHH Hương Việt Sinh cho hay thêm.

Sản phẩm thu hoạch được cung cấp cho hệ thống cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của công ty tại TP Hà Nội và tại quận Long Biên, đồng thời được bao tiêu hoàn toàn để cung cấp cho hệ thống bếp ăn phục vụ suất ăn bán trú cho các học sinh trên địa bàn TP Hà Nội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước