Quá tải, đội ngũ y tế cơ sở tại Hà Nội đang đối mặt với những áp lực nào?

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 21/12/2021 18:59 GMT+7

VTV.vn - Số F0 tăng cao khiến hệ thống y tế cơ sở của Hà Nội trở nên quá tải vì nhân lực mỏng và cùng lúc phải làm rất nhiều việc như xét nghiệm, quản lý F1, điều trị F0 tại nhà...

Tại quận Đống Đa, trong những ngày qua đã ghi nhận tới hơn 2.000 F0. Trong đó, 90% không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà. Hiện nhân lực tại các trạm y tế quá mỏng, không thể đảm bảo điều trị, hỗ trợ cho tất cả F0.

Để giảm tải cho các trạm y tế, quận đã thành lập thêm hai khu thu dung điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng. Khu tiếp nhận F0 tại Đại học Thủy Lợi dù mới thành lập cách đây 1 tuần nhưng đã có tới 500 bệnh nhân với 9 nhân viên y tế được điều động từ một số bệnh viện.

"Trung bình mỗi ngày đón khoảng 45 bệnh nhân, ngày cao điểm 79 bệnh nhân. Những bệnh nhân chuyển nặng sẽ liên hệ chuyển bệnh viện tuyến trên", bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Phụ trách chuyên môn khu Điều trị COVID-19 ĐH Thủy Lợi cho biết.

Một trong những nguyên nhân khiến việc xác định F0 chậm là do quá tải tại các cơ sở được giao xét nghiệm khẳng định. Ví dụ, bệnh viện đa khoa Hà Đông, công suất 300 mẫu đơn và 3.000 mẫu gộp/ngày. Bệnh viện phụ trách xét nghiệm PCR cho 5 bệnh viện tuyến huyện và 2 trung tâm y tế, vì vậy thời điểm từ cuối tháng 11 đến 18/12 kết quả xét nghiệm bị chậm.

Quá tải, đội ngũ y tế cơ sở tại Hà Nội đang đối mặt với những áp lực nào? - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm xét nghiệm COVID-19.

Trước số ca mắc tăng nhanh và quá tải xét nghiệm, Bộ Y tế đã đồng ý với Hà Nội cho phép xác định ca COVID-19 bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Đồng thời, các quận huyện đang nhanh chóng thành lập các khu thu dung, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tránh tình trạng quá tải cho tuyến y tế cơ sở.

Quá tải không chỉ gây áp lực đến đội ngũ y tế ở Hà Nội mà còn trên nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước khi số ca mắc tăng cao. Điều này ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe thể chất và tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế nhất là đội ngũ tham gia chống dịch.

Theo số liệu trong nghiên cứu về "ảnh hưởng của COVID-19 đến nhân viên y tế Việt Nam" mới được công bố, có tới 80% gặp khó khăn, chỉ có thể trả một phần hoặc không thể trả chi phí sinh hoạt, 70% bị lo lắng, thậm chí trầm cảm, 40% suy giảm sức khỏe, dẫn đến 25% giảm mức độ hài lòng với công việc.

Nghiên cứu này được khảo sát trên 2.700 cán bộ, nhân viên y tế, do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, phối hợp với ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Viện Đào tạo Y học Dự phòng, Trường Đại học Y Hà Nội và Viện Kinh tế, Công nghệ Y tế thực hiện trong 3 tháng qua.

Kết quả cho thấy, hầu hết nhân viên y tế cáng đáng khối lượng và thời gian làm việc tăng lên nhiều lần. Trong khi 1/3 trong số họ có lương, thưởng và phụ cấp bị giảm. Đặc biệt, hơn một nửa trong lực lượng tham gia chống dịch được khảo sát chưa nhận được khoản phụ cấp nào. Được biết, lương bình quân năm 2020 của nhân viên y tế tuyến đầu ở khu vực công là 7,36 triệu đồng/tháng. Trong khi giá sinh hoạt bình quân ở Hà Nội là 10 triệu và ở TP Hồ Chí Minh là 11 triệu đồng.

Quá tải, đội ngũ y tế cơ sở tại Hà Nội đang đối mặt với những áp lực nào? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế phường lấy mẫu xét nghiệm cho người dân (Ảnh: TTXVN)

Có thể thấy với công thức tiền lương đồng nhất đang áp dụng hiện nay không bù đắp được tính chất khắt khe của nghề nghiệp. Chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế cũng là điều được bàn đến nhiều trong nghiên cứu "Tình trạng lương khu vực công đối với nhân viên y tế tuyến đầu" mới hoàn thành, giúp mang đến nhìn toàn diện hơn về ảnh hưởng của dịch đến thu nhập, khối lượng công việc trong ngành y.

Sức ép là rất lớn, tiền lương còn chưa cao nhưng đã chọn nghề y thì họ chấp nhận và cống hiến, sẵn sàng lên đường khi tổ quốc và nhân dân cần tới họ. Cũng như nhiều đợt dịch khác, hỗ trợ cho Hà Nội và nhiều địa phương đang căng thẳng lúc dịch bùng phát là sự đóng góp của các nhân viên y tế trong công tác chống dịch, không thể không nhắc đến sự có mặt của học viên, sinh viên khối ngành sức khỏe.

Theo Trung ương đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9 năm nay, đã có tới hơn 8.000 học viên, sinh viên khối ngành này đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch tại các địa phương. Nhiều em thậm chí còn tham gia chống dịch 2,3 lần ở các tỉnh, thành khác nhau. Với các địa phương, đây là sự hỗ trợ về nhân lực chuyên môn vô cùng quý báu. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, khoảng thời gian tham gia chống dịch cũng chính là một kỳ thực tập mang đến rất nhiều kinh nghiệm thực tế quý giá cho các học sinh, sinh viên ngành y.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước