Podcast chửi thề: Xu hướng độc hại trên mạng xã hội

Anh Tú, Ngọc Thi-Thứ năm, ngày 28/03/2024 06:00 GMT+7

VTV.vn - Văng tục thoải mái, không chửi ai, chỉ phán ánh cảm xúc và hiện tượng, những âm thanh nghịch nhĩ, thiếu văn hóa này liệu có đang gây ô nhiễm không gian mạng?

Chửi bậy lặp đi lặp lại nhiều lần trong một đoạn âm thanh chỉ kéo dài vài giây hiện đang là trào lưu trên mạng xã hội, được gọi là podcast chữa lành bằng cách chửi thề, có nghĩa là tệp âm thanh kỹ thuật số được đăng tải lên mạng chứa từ ngữ tục tĩu. Vì độc lạ, dạng nội dung này thu hút lượng lớn lượt tương tác nhằm mục đích giải trí.

Tuy nhiên, khi mạng xã hội là nơi đủ mọi lứa tuổi có thể tiếp cận một cách dễ dàng thì việc podcast chửi thề trở nên phổ biến đang trở thành dạng nội dung tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại đến tâm lí, sự hình thành nhân cách của các khán giả nhỏ tuổi.

''hài hước'', ''thấy bình thường thôi, có thể giải trí được'' hay ''khó chấp nhận vì nói chuyện bậy bạ quá''..., người chẳng thể chấp nhận, kẻ lại thấy vui tai khi nghe chửi thề. Chửi thề nhưng không lăng mạ tổ chức, cá nhân; chửi thề để biểu đạt cảm xúc về sự vật, hiện tượng là lý do âm thanh chứa tiếng lóng không bị chặn bởi nền tảng. Thậm chí vì độc lạ, dạng nội dung này còn trở thành xu hướng mới trên TikTok.

Càng lan tỏa, thuật toán của nền tảng càng đẩy lên xu hướng và càng tiếp cận với nhiều người. Vì âm thanh chứa tiếng lóng không giới hạn độ tuổi nên các tài khoản dưới 16 tuổi cũng vẫn có thể dễ dàng tiếp cận dạng nội dung này.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: ''Bố mẹ có bao giờ dạy con chửi bậy đâu? Nhưng các em vẫn học được các ngôn từ rất tục, bậy do những đoạn âm thanh các em nghe hàng ngày, hàng giờ trên không gian mạng. Các em càng ngày càng trở nên chấp nhận nó, giống như là một cái nét văn hóa phổ thông và hoàn toàn không nghĩ rằng đây là một hành vi không nên và không được thực hiện trong bối cảnh giao tiếp thuần túy''.

Khoảng chục giây ngắn ngủi nhưng một đoạn clip đã chứa 5 từ tục tĩu. Bậy bạ tạo độc lạ, clip thu hút khoảng 4 triệu lượt xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác và được lan truyền rộng rãi khi có tới 19.000 người sử dụng lại đoạn âm thanh này. Với những người có đủ khả năng phòng vệ thì có lẽ đoạn âm thanh này chỉ dừng lại ở việc giải trí nhưng trên một nền tảng mạng xã hội có đủ mọi lứa tuổi có thể dễ dàng tiếp cận, sẽ như thế nào nếu trẻ em xem và tiếp cận dạng âm thanh dung tục này?

Từ mạng ảo đến đời thật, nói tục chửi thề vốn là giao tiếp vô văn hóa lại dần trở thành điều bình thường trong giao tiếp của nhiều người. Tiếp xúc và sử dụng từ ngữ lỗ mãng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nhân cách của thanh thiếu niên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

mạng xã hội

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước