Không ít các vụ cháy nổ đã xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ xe điện. Thậm chí, gần đây, những vụ cháy xe điện còn gây ra những thiệt hại cả về tính mạng con người. Trong tháng 7, một vụ cháy cửa hàng xe đạp điện ở Hoài Đức, Hà Nội khiến 3 người tử vong. Vụ cháy xe điện khi đang sạc ở TP Sầm Sơn, Thanh Hóa cũng khiến 2 bà cháu tử vong.
Pin lithium được dùng phổ biến cho các dòng xe máy điện hiện nay trên thị trường. Nếu những viên pin này cháy sẽ rất khó để có thể dập được bằng những bình cứu hỏa thông thường hiện nay.
Thí nghiệm khi pin xe điện cháy. Lửa bùng phát phá vỡ lớp vỏ nhựa. Nhiệt độ tăng mạnh, pin phát nổ.
Dùng bình bột để dập lửa, dù có phun cạn cả một bình loại 4kg, ngọn lửa vẫn bùng lên.
Chuyển sang dùng bình khí C02 để dập lửa và cũng phun liên tục cạn bình, ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng lên.
Theo đại diện Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy, đám cháy của pin xe điện không cần oxy mà là cháy xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong viên pin. Thậm chí, nếu người dân dùng nước để chữa cháy thì nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro lại gây nổ. Nguy hiểm như vậy nhưng hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ tiêu chuẩn an toàn cháy nổ dành riêng cho pin xe điện.
Hiện nay chỉ có một vài sản phẩm của nước ngoài như bình chữa cháy gốc nước dùng công nghệ bọc phân tử mới có thể làm giảm thật nhanh nhiệt độ để dập tắt. Tuy nhiên, loại bình này chưa phổ biến, giá thành cao gấp nhiều lần các loại bình thông dụng.
Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo, người dân nên hạn chế sạc pin xe điện qua đêm, nếu có cắm sạc thì phải ở vị trí có người trông coi. Tránh dùng các loại pin, dây sạc kém chất lượng, hàng trôi nổi. Các chung cư cũng phải quy hoạch khu vực sạc xe điện ở nơi thường xuyên có người quan sát trông coi, chủ động rút sạc xe điện trước 22h.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!