Phương pháp phát hiện sớm viêm loét, H.P dạ dày và điều trị K dạ dày không phẫu thuật

P.V-Thứ năm, ngày 20/10/2022 18:52 GMT+7

VTV.vn - Qua buổi livestream, các chuyên gia đầu ngành tiêu hóa, BVĐK Tâm Anh giúp độc giả hiểu hơn về kỹ thuật phát hiện sớm và điều trị viêm loét dạ dày, H.P dạ dày, K dạ dày.

20h ngày 18/10 vừa qua, hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Báo điện tử VnExpress tổ chức giao lưu trực tuyến chủ đề "Phát hiện sớm, điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày, H.P dạ dày, ung thư dạ dày". Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với hàng nghìn lượt xem, hàng trăm câu hỏi được gửi về.

Livestream có sự đồng hành của các chuyên gia khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội là BS.TS Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa); Bác sĩ nội trú Đào Trần Tiến (Phó trưởng khoa).

Những năm gần đây, các bệnh dạ dày có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Trong đó, viêm loét dạ dày, H.P dạ dày không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh mà còn là yếu tố nguy cơ diễn tiến K dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

70% người Việt Nam nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (H.P) - nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày, K dạ dày. Số liệu của WHO công bố năm 2020 tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 trong số bệnh lý ác tính với 17.906 ca mắc mới, gần 15.000 ca tử vong.

Điều đáng mừng là bệnh có thể điều trị khỏi khi phát hiện sớm bằng nội soi tầm soát và cắt tách hoặc cắt hớt niêm mạc. Quá trình điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn không còn sớm.

Trong livestream, nhiều khán giả đã gửi câu hỏi về chương trình, chia sẻ những băn khoăn làm thế nào để biết mình bị nhiễm vi khuẩn H.P? Cách tránh lây nhiễm vi khuẩn H.P? Giảm triệu chứng viêm loét dạ dày hiệu quả bằng những cách nào? Phương pháp nào hạn chế tiến triển ung thư dạ dày khi mắc H.P? Phương pháp mới nào giúp chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả ung thư dạ dày giai đoạn sớm?

"Con đường lây truyền" H.P và nguy cơ viêm loét tiến triển ung thư dạ dày

BS.TS Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội nhận định, Việt Nam là nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh cần cải thiện nhiều. Thói quen ăn uống sinh hoạt chung (ăn chung, dùng chung đồ) khiến tỷ lệ lây nhiễm H.P khá cao, cần tăng cường nhận thức, thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt.

Mở đầu livestream, một khán giả gửi câu hỏi cho chương trình có nội dung như sau: "Bố em bị viêm dạ dày mạn tính, gần đây tái khám phát hiện nhiễm thêm vi khuẩn H.P. Em nghe nói viêm dạ dày kèm nhiễm H.P thì nguy cơ cao biến chứng ung thư có đúng không bác sĩ?".

Trả lời cho thắc mắc về nỗi lo vi khuẩn H.P có gây biến chứng ung thư không, BS.TS Vũ Trường Khanh, cho biết: Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, vi khuẩn H.P là một trong những tác nhân tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai bị H.P cũng bị ung thư dạ dày. Vì vậy, không nên quá hoang mang, nhưng cần hiểu biết đúng mức là vi khuẩn H.P có thể gây nguy hại.

Vi khuẩn H.P diễn tiến thành mạn tính, biến chứng ung thư dạ dày không phải ngay lập tức mà cần một thời gian. Từ việc vi khuẩn H.P gây tổn thương viêm mạn tính ở dạ dày dẫn đến niêm mạc dạ dày giảm xuống. Việc viêm teo lâu chuyển thành dị sản ruột, hình thành tế bào niêm mạc đáng lẽ xuất hiện ở ruột thì xuất hiện ở dạ dày. Và nó có thể tiến triển loạn sản khiến hình thái tế bào bị biến đổi, một số nhỏ trong đó chuyển thành tế bào ung thư, từ ung thư sớm thành ung thư tiến triển.

Một độc giả khác bày tỏ băn khoăn rằng: Khi chồng (hoặc vợ) mắc H.P thì việc ăn uống, sinh hoạt vợ chồng có lây H.P không, lúc đó người còn lại có cần nội soi tầm soát không?

Giải đáp vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh cho rằng, một số người có thái độ coi nhẹ H.P dạ dày, nhưng cũng có một thái cực khác là quá lo lắng về nó. Tiến sĩ Khanh cho biết tỷ lệ mắc H.P độ tuổi trưởng thành ở nước ta đang ở mức cao 60 - 80% tùy vùng miền, phần lớn người mắc không có triệu chứng và không có tổn thương nặng nề.

Tỷ lệ lây nhiễm H.P tại Việt Nam cao do tập quán ăn uống chung (chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau…), sinh hoạt dùng chung đồ trong gia đình, điều này cần nhận thức và thời gian để thay đổi thói quen. Việc người chồng hay vợ bị H.P có thể khiến người còn lại cũng nhiễm H.P, tuy nhiên không phải ai cũng bị, nên cũng không cần quá lo lắng. Nếu có triệu chứng đau dạ dày, nguy cơ loét dạ dày thì cần kiểm tra H.P bằng nội soi, test thở...

Nội soi dạ dày bằng ống mềm đường mũi và nội soi dạ dày gây mê

Băn khoăn về phát hiện sớm H.P, viêm loét hay ung thư dạ dày, một độc giả hỏi: "Tôi 41 tuổi và được biết, đó là độ tuổi cần tầm soát ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư dạ dày. Tôi có tiền sử viêm loét dạ dày nhưng test H.P thì âm tính. Tôi tìm hiểu thì được biết nội soi hiện nay được thực hiện bằng ống mềm nên tránh được sự khó chịu cho người bệnh. Bác sĩ cho tôi hỏi, tôi cần chuẩn bị gì trước và sau khi nội soi để ổn định sức khỏe?".

Bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết: Nội soi ống mềm có 2 đường là đường miệng và đường mũi. Hiện nay, kỹ thuật nội soi đường mũi có nhiều tiến bộ vì giảm sự khó chịu của bệnh nhân. Cách thức chuẩn bị để nội soi ống mềm đường mũi khá đơn giản chỉ cần ăn 1 bữa nhẹ vào ngày hôm trước, nhịn ăn trong 6 tiếng; tránh uống nước màu, nước đục ảnh hưởng đến tiêu hóa thức ăn và hạn chế khi nội soi. Nếu bệnh nhân có sử dụng thuốc thì cần ngừng sử dụng kháng sinh trong vòng 1 tháng, ngừng thuốc chống bài tiết dịch acid trước 2 tuần. Nếu có sử dụng thuốc huyết áp, tiểu đường, chống đông máu thì cần thông báo với bác sĩ để có tư vấn và chỉ định cụ thể khi nội soi.

Trước câu hỏi về phương pháp nội soi dạ dày gây mê để thăm dò và cắt khối u dạ dày có gây hại, gây đau sau khi hết thuốc mê hoặc có biến chứng không, bác sĩ Khanh đã có những giải đáp rất chi tiết như sau: Thuốc mê gây mê trong nội soi dạ dày giúp bác sĩ yên tâm kiểm soát việc nội soi mà không bỏ sót những tổn thương dù nhỏ. Thực tế, dù bác sĩ giỏi, máy móc tốt mà không quan sát hết vẫn có thể bỏ sót tổn thương. Khi nội soi ở thời gian quá ngắn hay do bệnh nhân sợ hãi, nôn ọe… có thể khiến bác sĩ bỏ sót những tổn thương, khối u nhỏ do không quan sát hết. Khối u cắt đi khi nội soi không gây đau, ổ loét được bác sĩ kiểm soát bằng thuốc. Nếu bệnh nhân phải làm thủ thuật thì có thể yên tâm vì không đau, không lo biến chứng (nếu có thì tỷ lệ rất thấp).

Điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm không cần phẫu thuật

Về việc điều trị ung thư dạ dày, một độc giả thắc mắc: "Ông em bị K dạ dày giai đoạn sớm, phát hiện khối u gần 5cm. Vài ngày tới ông em được nội soi cắt khối u. Bác sĩ cho em hỏi, sau khi nội soi cắt khối u thì nên chăm sóc bệnh nhân như thế nào? Việc này có ảnh hưởng nhiều tới quá trình ăn uống sinh hoạt của ông em không ạ? Và gia đình em nên bổ sung thực phẩm gì cho ông sau nội soi để nhanh phục hồi?".

Bác sĩ Vũ Trường Khanh trả lời rằng: "Rất may ông bạn đã lớn tuổi và được phát hiện ung thư giai đoạn sớm. Ung thư giai đoạn sớm chỉ cần nội soi đường miệng cắt tách niêm mạc bị ung thư, sau 6-8 tuần có thể lành hoàn toàn. Nhờ kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) có thể tránh được cuộc phẫu thuật lớn, bệnh nhân hồi phục nhanh.

Phương pháp phát hiện sớm viêm loét, H.P dạ dày và điều trị K dạ dày không phẫu thuật - Ảnh 1.

Hình ảnh nổi gồ trên niêm mạc dạ dày được bác sĩ cắt tách bằng kỹ thuật ESD. Ảnh: BVĐK Tâm Anh Hà Nội cung cấp

Kỹ thuật này bệnh nhân chỉ nằm viện 2-3 ngày là có thể xuất viện, ăn uống bình thường. Thời gian đầu cắt tách niêm mạc, người bệnh nên ăn đồ ăn dễ tiêu và được kê thuốc giảm acid. Nhìn chung chăm sóc bệnh nhân nội soi cắt tách niêm mạc K dạ dày giai đoạn sớm khá đơn giản, chỉ cần đảm bảo dinh dưỡng vừa đủ giúp ổ loét lành sẹo nhanh. Nên sử dụng các chế phẩm từ sữa, xay nghiền đồ ăn ở giai đoạn đầu, sau nội soi cắt tách niêm mạc".

Như vậy, thái độ lo lắng thái quá hay coi nhẹ việc mắc H.P dạ dày, viêm loét dạ dày đều là chưa đúng đắn. Một số người có suy nghĩ không thăm khám bệnh dạ dày vì nghĩ đã ung thư là không chữa trị được cũng là tư tưởng cần thay đổi. Vì thực tế ở giai đoạn ung thư sớm, hiện đã có những kỹ thuật tiên tiến không cần phẫu thuật có thể chữa khỏi hẳn ung thư.

Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội hiện đang sử dụng công nghệ nội soi ống mềm với dải tần hẹp NBI dùng ánh sáng có bước sóng lớn, phóng đại hơn 100 lần cho phép bác sĩ quan sát rõ tổn thương niêm mạc dạ dày. Kỹ thuật nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) hiện là phương pháp tối ưu trong điều trị ung thư dạ dày giai đoạn sớm, tránh phẫu thuật, giúp người bệnh hạn chế biến chứng, hồi phục nhanh, nhất là với người có nhiều bệnh nền. Thủ thuật này cần đến bác sĩ chuyên môn sâu cùng sự hỗ trợ của thiết bị hiện đại.

Cuối cùng, sau hơn hai giờ giao lưu cùng khán giả qua buổi livestream, các chuyên gia khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích, khoa học giúp cộng đồng hiểu hơn về các việc phát hiện sớm, phương pháp điều trị hiệu quả viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày. Độc giả có thể xem lại chương trình trên fanpage BVĐK Tâm Anh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước