Phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 20/09/2024 06:12 GMT+7

VTV.vn - Ngành nông nghiệp cần có nguồn lực mạnh mẽ và nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân và các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất sau bão số 3.

Tính đến nay đã có 329 người thiệt mạng và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương sau bão số 3. Bên cạnh đó là những thiệt hại rất lớn đối với sản xuất kinh doanh và nhất là trong những lĩnh vực như là công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp ở 20/55 tỉnh, thành phía Bắc. Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi mà hàng trăm nghìn hecta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại hơn 3200 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị hư hỏng, cuốn trôi và gần 3.000.000 gia súc, gia cầm bị chết. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực để phục hồi nhưng vẫn còn không ít những khó khăn.

Phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - Ảnh 1.

Ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau bão số 3

Cần có nguồn lực để phục hồi ngành nông nghiệp

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, nguồn lực ở đây là vốn, là con giống, là những hỗ trợ khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Giai đoạn này là giai đoạn rất vất vả và rất cần sự vào cuộc, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp cũng như các bên có liên quan.

"Phải nói rằng trong hoạn nạn thì sự hỗ trợ của chính quyền, của các bên có liên quan theo tôi là rất cần thiết đối với người dân và doanh nghiệp để để khôi phục lại hoạt động sản xuất. Tôi đánh giá rất cao phản ứng chính xác của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan. Cơn bão tác động chưa được một tuần nhưng chúng ta đã có một nhóm giải pháp rất toàn diện, thể hiện qua Nghị quyết 143 mà Chính phủ mới ban hành. Trong đó, có nhóm giải pháp khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, của doanh nghiệp và của cộng đồng doanh nghiệp, giao nhiệm vụ rất là cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương", ông Tuấn cho biết.

Phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 - Ảnh 2.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI

Miễn, giảm hoặc gia hạn thuế cho doanh nghiệp

Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi đến các địa phương để thực hiện công tác miễn, giảm, thậm chí gia hạn nhiều loại thuế. Đây là một tín hiệu rất tích cực bởi khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ngưng trệ, bị thiệt hại lớn thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn về luồng tiền.

Pháp luật về thuế quy định nếu doanh nghiệp gặp phải những sự kiện bất khả kháng thì có thể hoãn nộp thuế trong vòng tối tối đa 2 năm. Luật thuế giá trị gia tăng hay thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có quy định: những cái thiệt hại do sự kiện bất khả kháng có thể tính vào chi phí doanh nghiệp có thể khai thác thay thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giảm đến 30 %. Các loại thuế khác đều có những khoản được miễn giảm.

"Việc khai thác những quy định pháp luật hiện tại để giảm gánh nặng về nghĩa vụ thuế theo chúng tôi là rất có ích và kịp thời đối với doanh nghiệp. Phải làm sao để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện những cái quyền lợi đấy, thủ tục đấy một cách thuận lợi và nhanh chóng", ông Tuấn chia sẻ.

Giãn nợ, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Nhiều giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong giai đoạn này như giãn nợ, hoãn nợ và thậm chí giảm lãi suất cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão. Những giải pháp này của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp không bị chuyển vào nhóm nợ xấu, có điều kiện để phục hồi kinh tế sau bão lũ.

Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP cả năm có thể giảm khoảng 0,15 điểm phần trăm do thiệt hại của cơn bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu sau bão. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho biết việc này vẫn nằm trong kịch bản dự kiến tăng trưởng từ 6,8 - 7% và điều này phụ thuộc rất lớn vào ba động lực tăng trưởng chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Theo các tổ chức quốc tế, việc đạt được kịch bản tăng trưởng cao hoàn toàn có cơ sở dựa trên thống kê 8 tháng qua, xuất khẩu tăng mạnh, nhất là lĩnh vực chế biến, chế tạo, kéo theo sản lượng sản xuất công nghiệp tăng cao, đóng góp đến 1/4 tăng trưởng GDP và nhà đầu tư nước ngoài tăng giải ngân vốn FDI với mức cao nhất trong 5 năm qua.

Cần tăng cường đẩy mạnh đầu tư công

Ngoài việc phải phục hồi sản xuất cho các trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc là Hải Phòng và Quảng Ninh, việc đẩy mạnh đầu tư công để khôi phục và hoàn thiện lại hạ tầng là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương trên 350 tỉ đồng, 300 tấn gạo và đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra với tổng số tiền đến nay là gần 1.400 tỷ đồng. Việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát tốt lạm phát giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi tái thiết sản xuất.

Cùng trao đổi chủ đề này trong Chương trình Vấn đề hôm nay là ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước