Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực

Phong Nguyễn - Quang Hà-Thứ hai, ngày 26/08/2024 11:51 GMT+7

VTV.vn - Vị trí đắc địa, thiên nhiên ưu đãi, giao thông thuận lợi, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hướng tới trở thành trung tâm cảng biển lớn nhất khu vực phía Nam.

Trong những năm qua, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, năng động, quyết tâm, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đã giúp thị xã Phú Mỹ có những bước chuyển mình rất đáng tự hào.

Tận dụng lợi thế để phát huy kinh tế cảng biển và công nghiệp

Với vị trí địa lý nằm trên trục QL51, thị xã Phú Mỹ có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác. Hiện nay, động lực kinh tế chính của thị xã Phú Mỹ là kinh tế cảng biển và công nghiệp. Trong đó, cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng được hình thành trên sông Thị Vải, hiện có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2024, cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cũng lần đầu tiên vào top 30 cảng có sản lượng container lớn nhất thế giới.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 1.

Một tàu hàng nước ngoài đang cập cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Mạnh Khá

Được biết, hiện nay cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đang có 35 bến cảng và đã đưa vào khai thác vận hành 22 bến cảng (trong có có 19 bến cảng đã chính thức vận hành, 3 dự án tạm khai thác) với công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Với hạ tầng hiện đại và năng lực vượt trội, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng biển và 35 lượng hàng container cả nước, chiếm 50% lượng hàng container khu vực phía Nam. Hệ thống cảng và dịch vụ hỗ trợ cảng hiện vẫn đang được tiếp tục triển khai xây dựng, đặc biệt là dự án cảng cạn Phú Mỹ với quy mô khoảng 37,84 ha bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên tới 600 mét đang được xây dựng giai đoạn 1 với mức đầu tư 2.900 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, cảng cạn này sẽ trở thành cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam Bộ với đầy đủ hạ tầng cầu cảng, kho bãi, depot container rỗng được trang bị thiết bị khai thác hiện đại, cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 2.

Tàu hàng cập cảng lấy hàng. Ảnh: Mạnh Khá

Trong những năm qua, cùng với những chủ trương chiến lược của Chính phủ về xây dựng trung tâm công nghiệp khí - điện - đạm tại Phú Mỹ và hệ thống cảng biển nước sâu tại cụm cảng Thị Vải - Cái Mép, tuyến QL51 và tuyến đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép - Gò Dầu được cải tạo, nâng cấp cũng tạo ra những tác động mang tính đột phá mạnh mẽ, đánh thức những tiềm năng kinh tế của địa phương này.

Năm 1994, với những khởi đầu gần như từ chỗ chưa có gì, sau 30 năm hình thành và phát triển, đến nay, thị xã Phú Mỹ đã có 9 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 4.727 ha, hoạt động dọc theo tuyến QL51 và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, chiếm tới 60% trong tổng số 15 khu công nghiệp tập trung của toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 3.

Nhà máy Hyosung trong KCN Cái Mép về đêm. Ảnh: Mạnh Khá

Tốc độ phát triển ngành công nghiệp bình quân trong giai đoạn 2015 - 2020 là 23,86% /năm. Riêng giai đoạn 2020 - 3023, tỷ trọng công nghiệp chiếm 84,08%, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,85%/năm.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 4.

Container chất đầy cảng Cái Mép - Thị Vải. Ảnh: Mạnh Khá

Chỉ tính riêng năm 2023, thu hút FDI trên địa bàn Phú Mỹ chiếm gần 90% số vốn toàn tỉnh (1,23/1,38 tỷ USD), riêng 7 tháng đầu năm 2024 chiếm gần 80% số vốn toàn tỉnh (1,39/1,75 tỷ USD), lũy kế đến hết tháng 7/2024 chiếm hơn 50% số vốn toàn tỉnh (17/33 tỷ USD). Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Mỹ hiện tập trung các nhà máy lớn như: nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, nhà máy thép (nhà máy thép VinaKyoel, thép Việt, thép Tấm lá Phú Mỹ, thép Thống nhất, thép Miền Nam, thép Pomina 3, thép Posco, tôn Hoa Sen…), nhà máy đạm Phú Mỹ, nhà máy sản xuất hạt nhựa PVC, công ty TNHH Hyosung Việt Nam... Riêng các nhà máy khí - điện - đạm trên địa bàn có tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ USD với các nhà máy điện có tổng công suất lên đến 3.900 MW, chiếm gần 40% tổng công suất điện năng của cả nước. Nhà máy đạm Phú Mỹ có công suất 800.000 tấn phân đạm urê và 20.000 tấn amonia/năm. Cùng với đó, bộ mặt đô thị của thị xã ngày càng khang trang, hiện đại, hạ tầng giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, và các chương trình mục tiêu quốc gia, an sinh xã hội… cũng đạt kết quả tích cực.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 5.

Tàu hàng cập cảng lấy hàng. Ảnh: Mạnh Khá

Theo ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức đã và đang được đầu tư, sẽ kết nối cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với các vùng kinh tế trong cả nước, khu vực và thế giới. Trong tương lai, Phú Mỹ trở thành một trong những điểm hội tụ chiến lược trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại quan trọng của quốc gia và khu vực, trong đó có trục hành lang kinh tế từ Mộc Bài của Tây Ninh qua TP Hồ Chí Minh đến cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải dài 300km, mở ra không gian phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh với các thành phố cảng trên thế giới. Thị xã Phú Mỹ khi đó sẽ trở thành cực phát triển quan trọng trong chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á, góp phần từng bước đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Từng bước trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đông Nam Bộ

Ông Phạm Viết Thanh cũng khẳng định: "Thị xã Phú Mỹ đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới để từng bước khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng không chỉ của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Vừa qua, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị xác định hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ. Định hướng quan trọng nói trên cũng đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt.

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 6.

Một góc thị xã Phú Mỹ từ trên cao. Ảnh: Mạnh Khá

Trong tương lai, thị xã Phú Mỹ được định hướng trở thành đô thị công nghiệp, cảng biển hiện đại. Trong đó sẽ khai thác và phát huy thế mạnh của hệ thống cảng biển đặc biệt của quốc gia, phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải tương xứng với vai trò cảng cửa ngõ có chức năng trung chuyển container quốc tế, xây dựng trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics quy mô lớn, hiện đại tầm quốc gia và quốc tế".

Phú Mỹ hướng tới mục tiêu trở thành đô thị cảng biển hiện đại nhất khu vực - Ảnh 7.

Hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải được vận chuyển đi thẳng các nước Châu Âu, Châu Mỹ không phải quá cảnh. Ảnh: Mạnh Khá

Vào thời điểm thành lập năm 1994, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) đã từ một huyện thuần nông, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đến nay, cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp tại thị xã Phú Mỹ hiện chiếm tỷ trọng tới 80,43%; thương mại dịch vụ chiếm 18,57% và nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1%. Địa phương này đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế quan trọng của tỉnh và Vùng Đông Nam Bộ. Sau 30 năm phát triển, từ một huyện với kinh tế thuần nông là chủ yếu, đến nay, cơ cấu kinh tế của Phú Mỹ có sự chuyển biến tích cực, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng.

Thu ngân sách từ năm 1994-1995, với tổng thu ngân sách 5.151 tỷ đồng, đạt 126,58% kế hoạch. Năm 2000 thu ngân sách tăng gấp 2,06 lần so với năm 1996. Nếu như năm 1995, ngành thương mại dịch vụ của Phú Mỹ chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể với số vốn nhỏ, thì nay, Phú Mỹ đã hình thành một số cụm thương mại, dịch vụ trên địa bàn, trong đó có 1 siêu thị, 1 trung tâm thương mại mua sắm, 16 chợ, nhiều điểm bán lẻ, mạng lưới thu mua sản phẩm do nông dân sản xuất ra và 12.805 cơ sở thương mại dịch vụ. Ước tính toàn thị xã có 3.698 doanh nghiệp, 14.872 hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho 123.322 lao động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Từ khóa:

cảng biển

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước