Tưởng rằng, với hàng loạt văn bản chỉ đạo cùng sự yêu cầu vào cuộc của cả hệ thống chính trị sau khi để xảy ra vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội vào cuối năm ngoái thì sẽ ngăn chặn được các vụ hỏa hoạn thảm khốc tiếp theo xảy ra. Vậy nhưng, chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, hỏa hoạn liên tục tái diễn ở Hà Nội, và nhiều cái chết thương tâm vẫn xảy đến. Thực tế, công tác tuyên truyền vẫn diễn ra, nhưng liệu nhận thức của người dân có song hành với hành động!
May mắn không có thiệt hại về người, có lẽ vậy mà nỗi sợ chỉ đến tạm thời. Cháy điểm trông giữ xe không phép chỗ này ắt mọc ngay chỗ bên cạnh. Tài sản hay tính mạng lúc này cũng như một canh bạc.
Thờ ơ nên đâu lại vào đấy. Khu dân cư xe đỗ kín lối vào. Nhà tạm cho đến điểm kinh doanh kiên cố chặn đứng luôn lối thoát hiểm của các hộ dân.
Hệ lụy từ điểm cháy cũ chưa giải quyết xong thì ngay liền kề đã nảy sinh những mầm mống cháy nổ mới.
Giặc lửa vẫn đang lửng lơ trên đầu, dù không muốn nhưng nó vẫn cứ đến. Nguyên nhân thì có nhiều; tuy nhiên, lý do chính là từ sự thiếu kiến thức lẫn ý thức trong ứng phó và phòng chống cháy nổ.
Chưa được nghiệm thu PCCC nhưng trường học vẫn hoạt động
Câu chuyện nhận thức và ý thức đã được nhắc đến. Có thể thấy, vì quyền lợi của cá nhân hay của một nhóm người mà bỏ qua sự an toàn và có khi đánh cược cả tính mạng của nhiều người. Nhất là đối với các cơ sở tập trung đông người như trường học nếu chưa thực sự chú trọng công tác PCCC thì nguy cơ cháy nổ sẽ nhân đôi bởi kiến thức thoát nạn của các em học sinh còn hạn chế.
Cơ sở giáo dục tư thục này gồm 4 tòa nhà cao tầng với diện tích hơn 7.000m2. Cơ sở vật chất khang trang, được đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, điều kiện cần thiết nhất là phòng cháy chữa cháy thì vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện nhà trường vẫn còn thiếu toàn bộ hệ thống báo cháy tự động của 3 tòa nhà. Dù cơ quan chức năng kiểm tra và đã từng xử phạt vi phạm hành chính do đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đến nay công tác giảng dạy và tuyển sinh vẫn diễn ra như không có chuyện gì xảy đến.
Lời hẹn thì có thể kéo dài nhưng cháy nổ thì không gia hạn. Dĩ nhiên, nhà trường và phụ huynh chẳng ai mong muốn hỏa hoạn xảy ra nhưng thực tế nó có thể đến bất cứ lúc nào. Hậu quả rất khó lường nếu không có sự quyết tâm và trách nhiệm của người trong cuộc cùng với biện pháp đủ mạnh của chính quyền cơ sở. Thực tế mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả và triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy, nổ. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền khẩn trương soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành văn bản phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy nổ đối với những cơ sở có nguy cơ cao.
Nguy cơ vẫn còn rất lớn một phần xuất phát từ sự chủ quan của người dân. Ngay lập tức hàng loạt buổi tuyên truyền mở rộng về công tác PCCC được triển khai tức thì.
Ý thức phòng cháy chữa cháy phải được nâng cao
Tại buổi tập huấn cho các chủ nhà trọ về công tác phòng cháy chữa cháy của phường Dịch Vọng, số lượng người dự kiến là 250 nhưng chỉ khoảng 2/3 số người tham dự. Tất cả các chủ nhà trọ phải cam kết thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC trong tháng 6 này. Đây là khu vực có hàng trăm nhà cho thuê trọ, hơn 90% trong số đó chưa đủ điều kiện PCCC.
Công tác tuyên truyền vẫn chưa bao giờ dừng lại, tuy nhiên, ý thức phải được nâng cao. Quả thực với hiện trạng nhà sâu, ngõ nhỏ lại còn hệ thống đường điện, viễn thông chằng chịt thì rất đáng lo ngại. Nhất là với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh thậm chí cho thuê đang ngày càng phát triển nhanh chóng tại các đô thị. Chỉ tính riêng TP Hà Nội hiện đã có hơn 31.000 nhà trọ và hơn 39.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao. Nguy hiểm luôn hiện hữu nhưng nhiều người vẫn chủ quan, coi thường với giặc lửa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!