Theo Luật Tài nguyên nước, trong tình huống hạn khẩn cấp, các hồ thủy điện phải ưu tiên xả nước cho sinh hoạt trước nhu cầu dùng để phát điện. Trong bối cảnh dự báo cao điểm mùa hạn đang tiến đến gần, ngành điện Việt Nam cần phải có kịch bản điều tiết nguồn nước hợp lý.
Khi thủy điện thực hiện trách nhiệm ưu tiên chống hạn hạ du hơn là phát điện thì các địa phương cần tính toán và có kế hoạch lấy nước hiệu quả. Chưa kể, có những địa bàn còn phải tính đến việc điều phối liên tỉnh của chính quyền địa phương.
Hai tuần nay, 4 thủy điện lớn trên thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn đã cắt giảm tối đa thời gian phát điện. Nếu có cũng chỉ duy trì dòng chảy tối thiểu. Việc chuyển từ ưu tiên cho an ninh năng lượng sang ưu tiên chống hạn cần có sự phối hợp chặt chẽ dựa trên quy trình vận hành liên hồ chứa.
Sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết từ thủy điện cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương. Thậm chí, ở địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, đó còn là sự điều tiết liên tỉnh. Bởi các thủy điện ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam nhưng lại chi phối gần như toàn bộ nguồn nước ngọt mà người dân thành phố Đà Nẵng đang sử dụng.
Theo các chuyên gia, mùa khô năm nay ở miền Trung sẽ thiếu nước hơn mùa khô kỷ lục năm 2019. Hiệu quả việc chống hạn cho hạ du phụ thuộc vào sự phối hợp vận hành của các thủy điện ở thượng nguồn.
Theo tính toán của Cục Thủy lợi, nguồn nước trong các hồ thủy lợi hiện còn trung bình khoảng 50%-60% dung tích thiết kế, ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Hiện từ giờ đến hết năm 2023, Trung Bộ là khu vực sẽ bị ảnh hưởng và có nguy cơ hạn hán. Cao điểm xảy ra hạn sẽ là giai đoạn cuối mùa khô tháng 7,8 năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!