Phố bỗng hóa thành sông, người dân chật vật mỗi mùa mưa

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 01/07/2023 18:40 GMT+7

VTV.vn - Tây Nguyên và Nam Bộ mới bước vào mùa mưa hơn 1 tháng và ngập úng đã xảy ra liên tiếp ở nhiều đô thị, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân.

Ngày 23/6, chỉ sau trận mưa lớn kéo dài 30 phút, hàng loạt khu phố ở Đà Lạt ngập nặng. Nước ngập rất nhanh, người dân không kịp trở tay, nhiều tài sản giá trị bị hư hỏng.

Sau Đà Lạt, chiều 25/6, nhiều khu dân cư trên cao nguyên Bảo Lộc cũng rơi vào cảnh ngập sâu chưa từng thấy. Có tuyến đường ngập hơn 1m, nước thành dòng chảy mạnh, 1 người đi xe máy bị cuốn đi nhưng rất may được ứng cứu.

Phố bỗng hóa thành sông, người dân chật vật mỗi mùa mưa - Ảnh 1.

Ngày 23/6, một số khu vực trên địa bàn thành phố Đà Lạt bị ngập cục bộ, nặng nhất là điểm tham quan Vườn hoa thành phố Đà Lạt. Ảnh: TTXVN

Phố bỗng hóa thành sông, người dân chật vật mỗi mùa mưa - Ảnh 2.

Nhiều khu dân cư trên cao nguyên Bảo Lộc cũng rơi vào cảnh ngập sâu

Còn ngay trong chiều 30/6, cơn mưa trắng trời cũng trút xuống thành phố Biên Hòa, các tuyến đường trung tâm ngập nặng, giao thông rối loạn, nhiều phụ nữ chở trẻ em bị té ngã do nước chảy xiết, người dân phải ra khơi thông miệng cống cho nước thoát.

TP Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ. Chiều 1/7, mưa to lại gây ngập nặng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp xảy ra tình trạng này. Mưa to khiến các khu vực được mệnh danh là ''rốn'' ngập và cả những tuyến đường không thường xuyên ngập đều mênh mông trong biển nước. Giao thông tắc cứng, xe chết máy la liệt, người dân chật vật tìm lối thoát, nhiều gia đình phải dùng máy bơm để hút nước ngập từ trong ra ngoài.

Hiệu ứng đô thị là một trong những nguyên nhân khiến hình thành ngày càng nhiều trận mưa có cường suất lớn, gây ra cảnh ngập úng thường xuyên, đặc biệt vào mùa mưa.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh với phần lớn bề mặt toàn bê tông và đường nhựa hấp thụ nhiệt lượng lớn đã khiến các khu đô thị luôn nóng hơn khu vực xung quanh nhiều cây xanh từ 0,5 đến 4 độ C. Trên nền nhiệt cao, mây giông dễ dàng hình thành. Chưa kể, các tòa nhà cao tầng khiến gió bị thay đổi hướng, đẩy các dòng khí nóng bốc lên cao, khiến hơi ẩm tích tụ lại nhiều hơn. Do đó, mây giông sẽ càng phát triển mạnh, trút mưa xuống dồn dập, kèm theo gió giật và sấm sét dữ dội.

Ao hồ và khu vực nhiều cây xanh, những vùng đệm để thoát nước lại bị thay thế bởi các nhà cao tầng và đường nhựa nên nước khó ngấm xuống dưới lòng đất. Bên cạnh đó, hạ tầng thoát nước chưa đáp ứng được quá trình phát triển của các khu đô thị khiến nước bị ùn ứ, sinh ra ngập úng.

Theo số liệu đo đạc thực tế, các trận mưa trên 50mm trong 1 tiếng đã xuất hiện nhiều hơn tại thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 20 năm qua. Nếu như trước năm 2015, tại trạm Tân Sơn Hòa không có trận mưa nào trên 100mm, thì từ năm 2016 tới nay, lại có tới 3 trận mưa lớn. Theo dõi chuỗi số liệu ở trạm Nhà Bè cũng thấy xu hướng mưa tăng lên tương tự, từ năm 2017 đến nay có nhiều trận mưa trên 60mm trong 1 tiếng.

Muốn chống ngập hiệu quả cần phải có thông tin dự báo về mưa chính xác và kịp thời. Những trận mưa giông ở đô thị vốn hình thành nhanh, thường chỉ được cảnh báo trước một vài tiếng. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do mưa ngập ở đô thị, một trong các giải pháp là cần nâng cao năng lực dự báo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và El Nino có thể gây ra các trận mưa lớn cục bộ dị thường từ nay đến năm sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước