Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi"

PV (t/h)-Thứ bảy, ngày 11/09/2021 06:14 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết, về nhiệm vụ sau ngày 15/9, quan điểm của thành phố cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi.

Chiều 10/9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã có buổi trao đổi với báo chí về tình hình, kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra từ 27/4, lúc đó Hà Nội đang ở điều kiện tất cả 8 tỉnh xung quanh đều có dịch. Người nhập cảnh vẫn đang tiếp tục về và xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp.

Đến đầu tháng 5 tình hình dịch bệnh phức tạp với nhiều nguy cơ từ trong nội tại đến các tỉnh quanh Hà Nội, áp lực các chuyến bay giải cứu về phải cách ly. Mật độ di chuyển lớn vì Hà Nội là đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên hằng ngày có hàng chục nghìn lượt người qua lại do đó buộc giãn cách xã hội linh hoạt có lúc theo nguyên tắc Chỉ thị 15 và thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 16 từ 24/7. Đến nay, trải qua tròn 50 ngày với 4 đợt giãn cách.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi - Ảnh 1.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong (Ảnh: TTXVN)

Việc áp dụng biện pháp giãn cách và phải kéo dài là tình thế bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh còn cao, trong khi lượng vaccine được phân bổ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Cho đến trước ngày 2/9, Hà Nội mới được phân bổ 2,9 triệu liều và thực tế số vaccine về kho của thành phố mới có 2,4 triệu liều; số người trong độ tuổi được tiêm vaccine cũng mới chỉ đạt 26,5%, chủ yếu là tiêm mũi 1.

Trong tình thế ấy, biện pháp giãn cách xã hội mặc dù rất khó khăn, nhưng đã phát huy, đem lại hiệu quả, được lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, dư luận và người dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, qua quá trình tổ chức phòng, chống dịch nhận thấy một số mục tiêu chưa đạt, vẫn còn hiện tượng chưa đồng đều, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả ở một số nơi, để xảy ra hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong". Lượng người ra đường ở nơi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg vẫn còn đông, chưa bảo đảm mục tiêu giãn cách xã hội, còn hiện tượng chủ quan, lơ là.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, tất cả phương pháp phòng, chống dịch của Hà Nội khi đưa ra đều có sự tham khảo các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia dịch tễ học. Điều này được đưa ra sau khi ghi nhận thực tế tại từng địa điểm để có căn cứ thực tiễn đưa ra phương án thực hiện.

Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch trên địa bàn vẫn còn phức tạp với điều kiện tự nhiên, dân số trong nội thành còn cao, không gian chật hẹp. Dịch đã tấn công vào các chuỗi cung ứng siêu thị, chợ đầu mối, shipper, khu công nghiệp, chợ dân sinh, lái xe luồng xanh…

"Hà Nội vẫn phải tạo điều kiện giao lưu hàng hoá nên nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn. Không thể khẳng định Hà Nội không còn F0 ngoài cộng đồng. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung quyết liệt, thần tốc xét nghiệm và tiêm vaccine cho toàn bộ người dân đến ngày 15/9. Đây là sự chỉ đạo đúng đắn. Với năng lực TP hiện tại đang được tăng lên nhưng để đảm bảo kế hoạch đề ra, Thủ tướng đề nghị 11 tỉnh, TP hỗ trợ Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu và tiêm vaccine. Hà Nội đang cố gắng thực hiện việc này để sớm đạt mục tiêu đề ra" - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội: Thành phố không thể giãn cách, phong tỏa mãi - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người điều khiển phương tiện giao thông tại Chốt kiểm soát số 3 - lối lên cầu Chương Dương (Ảnh: TTXVN)

Chia sẻ về nhiệm vụ phòng, chống dịch của Hà Nội trong thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội không nên, không thể giãn cách xã hội mãi được. Đây là kinh nghiệm thực tiễn của thế giới cũng như của thành phố. Việc giãn cách hay nới lỏng phụ thuộc vào tình hình dịch tễ, về nguy cơ dịch bệnh của từng khu vực, từng địa bàn như thế nào. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân.

Chính vì thế, việc chia thành 3 vùng là để tập trung chống dịch. Trong đó tập trung kiểm soát chặt Vùng 1- nơi được coi là “vùng đỏ” nguy cơ cao nhất. Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc Vùng 2 và Vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động.

Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày, nên dự kiến số vaccine được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong 1-2 ngày tới. Nếu được phân bổ đủ vaccine, thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12/9.

Ngoài ra, theo ông Phong, thành phố đã đạt được 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, điều được lớn nhất trong thời gian vừa qua là thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chuẩn bị ở mức cao của ngành Y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn...

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước