Các thành viên trong Tổ tự quản thực hành việc dập tắt một đám cháy (Ảnh: Cổng TTĐT thành phố Hà Tĩnh)
Phương châm "4 tại chỗ" cùng với thời điểm vàng trong công tác cứu hỏa là dưới 5 phút đã phát huy tối đa lực lượng, phương tiện tại chỗ ngay từ đầu dập tắt và hạn chế thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân.
Tổ tự quản an toàn về phòng cháy, chữa cháy đầu tiên được xây dựng là Tổ dân phố 1, phường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh, với 6 thành viên. Tổ dân phố 1 có 55 cơ sở kinh doanh kết hợp nhà để ở của người dân, trong đó, có 32 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Bởi vậy, Tổ tự quản thực hiện nhiệm vụ giám sát, tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho người dân và đặc biệt là các hộ kinh doanh, hộ nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn về phòng cháy, chữa cháy.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập cho biết, mô hình Tổ tự quản an toàn về phòng cháy, chữa cháy mới thành lập trên địa bàn đã phát huy khả năng phòng cháy, đặc biệt là công tác tuyên truyền, ý thức của người dân, hộ kinh doanh từng bước nâng cao. Tổ tự quản an toàn về phòng cháy, chữa cháy được trang bị kiến thức và có dụng cụ hỗ trợ thành viên như áo, mặt nạ, bình chữa cháy... sẵn sàng ứng phó nhanh khi có tình huống cháy xảy ra.
Thành phố Hà Tĩnh là địa bàn trọng điểm nên đã xây dựng nhiều mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng như ở các phường Hà Huy Tập, Nguyễn Du, Bắc Hà. Tại hai chợ Bình Hương và Hà Tĩnh cũng có các Tổ an toàn phòng cháy, chữa cháy… Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thành lập 18 mô hình Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy, 19 mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và 14 mô hình Điểm chữa cháy công cộng tại nhiều huyện, thị xã, thành phố. Các mô hình này đã phát huy vai trò, sức mạnh toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thượng tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị thành lập các mô hình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn chấp hành quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; tuyên truyền, vận động nhân dân tự trang bị phương tiện, thiết bị về phòng cháy, chữa cháy tại gia đình. Đơn vị xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, từ đó nâng cao tính chủ động, khả năng sẵn sàng ứng phó.
Nhằm nâng cao kiến thức cho các thành viên và người dân tham gia mô hình, 9 tháng năm 2022, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Hà Tĩnh tổ chức 16 lớp tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật thu hút trên 2.100 người tham gia; 44 lớp huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho hơn 3.100 người. Ngoài ra, địa bàn có gần 6.000 người dân cài đặt App "Báo cháy 114", hơn 26.300 người theo dõi tài khoản Zalo "Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!