Hoạt động này được kỳ vọng sẽ nâng cao kỹ năng của người dân trong công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ban đầu khi có sự cố cháy xảy ra.
Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC với sự tham gia của 5 gia đình từ nhà ở, nhà để ở kết hợp kinh doanh. Với mô hình này, 30 tổ liên gia đến từ 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ tham gia phần thi thực hành PCCC và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra bao gồm: chữa cháy, cứu người, di chuyển tài sản.
Khi sự cố cháy nổ xảy ra, việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ban đầu là một trong những yếu tố quyết định để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Mọi thành viên tổ liên gia cần nắm chắc các kỹ năng để đảm bảo thời gian cứu hộ ban đầu.
Anh Lại Hải Long, thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC thị xã Sơn Tây, Hà Nội, chia sẻ: "Tham gia tổ liên gia an toàn PCCC, mỗi cá nhân, từ chị em phụ nữ đến người lớn tuổi, đều nhận thức rõ vai trò của mình trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ ngay tại nơi mình sinh sống".
Ông Hoàng Mạnh Trung, Tổ trưởng Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Mỹ Đức, Hà Nội, và chị Trần Thị Thanh Thuỷ, thành viên Tổ liên gia an toàn PCCC huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cũng đồng tình với quan điểm này.
Theo Công an thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2024, khoảng 80% số vụ cháy được các lực lượng tại chỗ như người dân, tổ liên gia an toàn PCCC, lực lượng dân phòng và công an cấp xã tham gia xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu.
Khi tham gia mô hình tổ liên gia an toàn PCCC, mỗi nhà sẽ bố trí ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay và tối thiểu 1 dụng cụ phá dỡ, đồng thời trang bị 1 chuông báo cháy tại tầng 1 và lắp đặt 2 nút ấn báo cháy ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Thông qua các hội thi, thành phố kỳ vọng mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả phương châm 'bốn tại chỗ' trong công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!