Hoa mai từ lâu đã được coi là biểu tượng của mùa xuân, của sức sống và của sự thịnh vượng. Hiện nay, ở Việt Nam có rất nhiều giống hoa mai khác nhau được nhập khẩu và lai tạo với những nét đẹp riêng biệt, đặc trưng cho nhiều vùng miền. Nhưng có lẽ chẳng nơi nào cánh mai vàng đã đi vào sức sống của đất trời và con người như ở Huế – vùng đất kinh kỳ với dòng Hoàng mai đặc trưng.
Mai vàng Huế hay còn gọi là Hoàng mai Huế - là loại sinh vật cảnh quý của Việt Nam với vẻ đẹp đặc trưng đã đi vào lịch sử, thi ca, hội hoạ mà ít loài hoa nào có được. Hoa mai thể hiện cốt cách của người Việt. Bông hoa trước thời tiết nghiệt ngã, vẫn bền bỉ vươn mình ươm chồi nẩy lộc, bung mình khoe sắc tượng trưng cho phẩm đức nhẫn nại và can đảm. Rễ cây cắm sâu trong lòng đất, không ngã đổ trước gió bão, giống như con người Việt Nam dù ở đâu cũng gìn giữ đạo lý ân nghĩa và cội nguồn văn hóa tốt đẹp của tổ tiên.
Đặc trưng nhận biết của Mai vàng Huế được xác định với lộc xanh, cành lộc dày (dăm chi); hoa cuống ngắn; 5 cánh màu vàng đậm, viền lượn sóng, mặt phẳng, các cánh xếp khít nhau, có mùi thơm dịu nhẹ. Là "sứ giả" - tượng trưng cho mùa xuân xứ Huế và vùng đất phương Nam, hình ảnh cánh mai vàng từ lâu đã gắn liền với văn hoá Cố đô qua các nhân tố tạo hình sinh động từ trang trí chạm khắc ở kiến trúc cung đình đến các phù điêu tư gia và trong các lễ hội hoa xuân.
Hoa mai vàng Huế có nhiều đặc trưng riêng biệt dễ nhận biết
PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Rau quả đánh giá: "Mai vàng Huế với những đặc trưng khác biệt với các giống mai khác. Hoa có dáng thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời. Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó chính là "phong thái" của mai đất Huế mà không phải hoa mai nơi nào cũng có được."
Từ góc độ văn hoá, mai là loài hoa được vua chúa, giới quý tộc yêu thích nên thường được nâng niu chăm chút công phu để tạo dáng, thế chuẩn từ bộ rễ, gốc (bệ) thân, cành, lá đến hoa. Hoàng mai Huế khó tính, khó chăm nhưng nếu được chăm sóc tốt, đúng cách thì tạo nên giá trị rất lớn. Hoa đã được Hoàng đế Minh Mạng khẳng định một cách chính danh khi khắc hình tượng hoàng mai trên bộ Cửu Đỉnh (đúc năm 1835) - Bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng của nước ta đầu thế kỷ XIX.
Hoàng mai Huế là một tri kỷ chứng kiến những sự kiện trọng đại trong văn hóa gia tộc, đồng thời cũng là một thương hiệu có giá trị thương phẩm rất cao. Giống mai quý hiếm kết hợp với bàn tay nghệ nhân khéo léo trên cơ sở nghệ thuật Bonsai đã làm cho Mai vàng Huế có giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế lớn. Ý thức được vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này, các chuyên gia, nghệ nhân về Mai vàng đã nỗ lực rất nhiều để góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của Mai vàng Huế với mong muốn làm sao Mai vàng là loài cây đặc trưng và phổ biến của Huế, và nói đến Huế là nói đến Mai vàng.
Hoàng mai Huế có giá trị thương phẩm cao
Tuy nhiên, thực tế gần đây cho thấy Mai vàng Huế chưa phát huy được các tiềm năng, giá trị vốn có của nó. TS. Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Huế cho biết hiện nay giống Mai vàng Huế đã bị lai tạp khá nhiều, việc nhân giống còn theo thói quen đơn lẻ, tự phát; các nghiên cứu về Mai vàng Huế chưa nhiều, chưa có những nghiên cứu mang tính chuyên sâu, khép kín theo chuỗi giá trị; việc phát triển giống mai chỉ mang tính tự phát, chưa có quy mô, hệ thống; chưa tận dụng tốt tiềm năng ngành kinh tế sinh thái hoa - cây cảnh để tạo lên một thương hiệu tầm cỡ quốc tế.
Giám đốc Sở KH&CN nhấn mạnh: "Cho đến nay, loài hoa quý này chưa được nghiên cứu bài bản về đặc tính sinh thái, bảo tồn nguồn gen, và các giải pháp để phát triển cây mai vàng trở thành một sản phẩm đặc trưng độc đáo của vùng đất Cố đô, mặc dù là một loài hoa quý, nổi tiếng nhưng chưa được nghiên cứu để nâng tầm phát triển thương hiệu để trở thành một biểu tượng một sản phẩm văn hóa, du lịch, một sản phẩm chủ lực của địa phương và hơn thế có thể xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam."
Nhằm phát huy những giá trị của Mai vàng Huế, đề xuất các giải pháp để bảo tồn các giống Mai vàng và triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng Thừa Thiên Huế thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam" có hiệu quả, ngày 10/02 vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp tổ chức Hội thảo "Định hướng phát triển Mai vàng Huế". Cũng trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá phong trào "Mai vàng trước ngõ" một cách thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, công sở, địa phương trên địa bàn tỉnh; đưa phong trào trở thành mục tiêu trọng điểm gắn với mô hình "Huế - thành phố bốn mùa hoa", tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô. Đây là hướng đi đúng đắn, không chỉ góp phần xây dựng đô thị di sản, cảnh quan, thân thiện với môi trường mà còn tạo điểm nhấn đặc sắc để thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch.
Cần có nhiều biện pháp bảo tồn và phát triển thương hiệu mai vàng Huế
Trên góc độ bảo tồn, nhiều chuyên gia cho rằng việc xác định cụ thể các giống Mai vàng 5 cánh hiện hữu ở Thừa Thiên Huế là yêu cầu cấp thiết, sẽ giúp cho việc bảo tồn và phát triển hiệu quả giống Mai vàng đặc hữu của địa phương, từ đó Hội Mai vàng Huế sẽ có định hướng hữu hiệu trong việc bảo vệ thương hiệu và sản xuất giống hoa sau này. Để làm tốt điều này cần xâm nhập thực tế rộng rãi, tiếp cận hàng loạt cây Mai vàng ở nhiều địa bàn khác nhau thuộc các huyện, thị xã chứ không riêng thành phố Huế. Ngoài ra, để tăng độ chính xác khoa học và độ tin cậy thì cũng phải kết hợp tốt cả hai phương pháp: phân loại học thực vật và dân tộc học thực vật.
Đối với các triển khai sắp tới trong công tác hỗ trợ thực hiện và phát triển Mai vàng Huế xứng tầm với giá trị hiện có, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đều có ý kiến nhất quán cho rằng tỉnh cần sớm xây dựng thương hiệu và hình thành hệ giống cây đầu dòng, cần hỗ trợ về phân bón, quy trình chăm sóc cây. Mai vàng Huế bên cạnh giá trị về sinh thái, cảnh quan, cần phải có giá trị về kinh tế, nhân văn, văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, Sở KH&CN cần sớm tham mưu với UBND tỉnh để có phương án thống nhất trong việc hỗ trợ bảo tồn giống, chuyển nhượng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở KH&CN và các cơ quan ban ngành cần tuyên truyền, quảng bá tốt hơn nữa hình ảnh Mai vàng xứ Huế để phát huy giá trị và thương hiệu; tổ chức quy hoạch xây dựng một số vườn mai, rừng mai trọng điểm nhằm tạo điểm nhấn cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Đồng thời, cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về Mai vàng Huế để có cơ sở bảo tồn và lưu giữ được nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu và nhân giống, qua đó góp phần phát triển ngành sản xuất hoa Mai vàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội, từ đó bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây Mai vàng Huế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!