Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn hay gọi là Đề án 1956 đến năm 2020 được xem là đề án có ý nghĩa to lớn trong nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội trên cả nước. Theo đó, sau khi kết thúc khóa học từ 3 đến 4 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ nghề và mỗi học viên được hỗ trợ 30.000 tiền ăn trưa/ngày. Và giáo viên theo hợp đồng với Sở LĐTBXH trung bình 60.000 đồng/tiết. Tuy nhiên việc chi trả này tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua đã có nhiều bất thường khiến cả học viên và giáo viên vô cùng bức xúc.
Bất thường việc sử dụng ngân sách thực hiện đề án đào tạo nghề nông thôn
Thay vì phải học hết 3 tháng nhưng chưa được 10 buổi, học viên này đã bỏ ngang lớp đào tạo nghề chăm sóc da. Nhưng trong danh sách quyết toán từ năm 2019 vẫn kê khai em học đủ 38 ngày.
Tưởng rằng sau khi nhận vài trăm ngàn thì không còn liên quan gì đến lớp nghề này nữa, mới đây em lại được gọi lên trường để nhận thêm gần 1 triệu đồng trong sự ngỡ ngàng.
Học thiếu nhưng vẫn nhận đủ là một nhẽ, có nhiều học viên dù đã học đủ và khóa học kết thúc từ năm 2019 nhưng mãi đến đầu tháng 7 năm nay mới được nhận tiền hỗ trợ tận nhà.
"Họ bảo lúc xưa học nghề giờ nhận được tiền học nghề, phụ cấp 1.500.000 đồng, bây giờ mới nhận được" - em Y Phú M’LO – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk cho hay.
"Em nhận được 3 đợt, 1 lần 390 nghìn, 1 đợt 650 nghìn, còn 1 đợt là 10 nghìn đồng" - em học viên – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk nói.
Không chỉ bất thường trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho học viên mà ngay cả giáo viên đứng lớp cũng bức xúc. Trong phiếu chi gửi lên Sở LĐ-TB và XH, dù được ký nhận bảng lương 24 triệu đồng song thực tế thầy giáo này chẳng nhận được khoản tiền nào.
"Có hai giáo viên nhưng chỉ có mình mình dạy thôi, có ký một tờ giấy thanh toán tiền cho hai giáo viên là 24 triệu, nhưng mình không nhận được đồng nào hết" - anh Cao Bá Long – giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Còn đây lại là khẳng định của ông Lê Ngọc Hậu - Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo: "Tôi xin khẳng định với chị, trong hai lần kể cả lớp bán hàng năm 2019, chúng tôi thanh toán hai lần, các học viên có chế độ chính sách phải nhận đủ 100% không thiếu một đồng nào. Còn việc trả tiền cho giáo viên theo đúng ký kết hợp đồng với Sở LĐTBXH, ban giám đốc không bao giờ thế này thế kia với khoản đó vì đó chính là mồ hôi nước mắt của người ta".
Ông Hậu còn lý giải, do nhận tiền từ ngân sách của Sở LĐTBXH về đầu tháng 1 năm 2020 khiến cho việc chi trả tiền cho học viên muộn hơn. Tuy nhiên, đại diện Sở LĐTBXH lại cho biết, việc quyết toán các khoảng tiền đối với các lớp dạy nghề tại trung tâm này đã hoàn thành hết trong năm 2019.
Mỗi năm ngân sách từ đề án vẫn đưa về các địa phương đều đặn để làm sao đảm bảo tốt nhất chế độ của cả học viên lẫn giáo viên, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Thế nhưng chỉ là sự nỗ lực cố gắng từ một phía là chưa đủ, muốn đạt được hiệu quả, quan trọng nhất vẫn là chất lượng của giáo viên đào tạo, họ chính là cầu nối truyền tải tốt nhất, là nhân tố quyết định lớn đến sự thành công của đề án dạy nghề nông thôn. Thế nhưng trớ trêu thay, nhân tố quan trọng ấy lại bị xem nhẹ thậm chí là đang bị đánh tráo tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo - Đắk Lắk.
Bất thường sử dụng giáo viên dạy nghề
Theo ông Lê Ngọc Hậu – Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo - Đắk Lắk: Giáo viên phải có chứng chỉ, tay nghề hoặc đã tham gia chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ nghề, hai là giáo viên phải tối thiếu phải có sư phạm đào tạo nghề. Đảm bảo là 100% giáo viên của trường đều có đầy đủ các văn bằng chứng chỉ đáp ứng việc dạy nghề theo quy định".
Đó là khẳng định chắc nịch của Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo khi được hỏi về chất lượng giáo viên đào tạo nghề tại đây. Còn đây là thực tế mà các giáo viên đã thừa nhận.
Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền – giáo viên Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Ea H’Leo - Đắk Lắk cho hay: "Ảnh cho mình đi học 2 ngày về lớp trồng trọt trồng nấm, để về dạy, chỉ có 2 ngày ở TP.HCM".
Đấy là giáo viên may mắn còn được cử đi học, còn với cô giáo này dù chỉ có bằng sư phạm Anh văn thế nhưng lại phải đứng lớp dạy nghề bán hàng.
Cô Hiền cho biết việc biên soạn giáo án là copy tài liệu trên mạng còn dạy học viên bằng chính kinh nghiệm mua sắm của bản thân. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều giáo viên dạy nghề tại đây, mặc dù giáo viên đã nhiều lần ý kiến, nhưng cuối cùng họ chỉ có 2 lựa chọn: tiếp tục dạy hoặc nghỉ.
Chủ tịch UBND huyện Ea H’Leo khẳng định, việc đào tạo nghề phải sử dụng giáo viên đúng trình độ, nếu sử dụng giáo viên văn hóa để đào tạo cho học viên là sai quy định.
Đề án dạy nghề nông thôn 1956 của Chính phủ là đề án lớn được thực hiện rộng khắp cả nước, mọi quy trình đều có quy định rõ ràng. Song chẳng rõ vì lý do gì mà việc đánh tráo sử dụng giáo viên không đủ trình độ vẫn len lỏi suốt nhiều năm qua tại trung tâm này. Thậm chí, chính những giáo viên là những người nhiều lần đứng lên phản đối việc làm này.
Rõ ràng nhìn vào việc sử dụng giáo viên đã và đang diễn ra tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk thì khó có ai dám khẳng định chất lượng đào tạo thực tế có thực sự hiệu quả. Ấy vậy mà trong những năm qua, đây là là đơn vị đứng đầu tỉnh về công tác đào tạo nghề. Thành tích này liệu có nghịch lý so với thực tế?
Đào tạo nghề nông thôn - hiệu quả thực hay ảo?
Suốt 4 tháng tích cực tham gia đi học đầy đủ khóa học điện tử dân dụng và được tốt nghiệp nhận chứng chỉ bằng khá. Nhưng sau gần 1 năm, em M’lo cũng chỉ biết ở nhà làm nương rẫy phụ gia đình.
Đi xin việc làm có lẽ là điều gì đó xa vời với em. Bởi, học xong nhưng em chẳng biết gì về cái nghề.
Việc học nghề là tự nguyện nhưng trên thực tế nhiều học viên cho biết đã bị ép buộc nên khi tham gia học cũng không hứng thú rồi bỏ ngang.
Ngay chính cả giáo viên tham gia dạy nghề cũng cho biết, chính họ cũng không có chuyên môn để đứng lớp nên việc đào tạo nghề thực tế không hiệu quả như báo cáo.
Thế nhưng nghịch lý rằng, nhiều năm qua, đây lại là trung tâm đứng đầu toàn tỉnh về thành tích đào tạo nghề. Sở LĐTBXH cũng cho biết, so với các huyện khác thì Ea H’Leo luôn vượt chỉ tiêu và có số lớp đào tạo cao nhất. Thế nhưng với những gì đã và đang diễn ra tại nơi được cho là tốt nhất này không khiến người ta đặt câu hỏi về chất lượng thực tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!