Phát hành bộ tem “Việt Nam Chào mừng năm ASEAN”

Tạ Hiển-Thứ bảy, ngày 08/08/2020 21:49 GMT+7

VTV.vn - Bộ tem “Việt Nam Chào mừng năm ASEAN” đã nêu bật ý tưởng của một ASEAN đoàn kết phấn đấu, xây dựng một ASEAN Thịnh vượng, Phát triển và Hòa Bình.

Nhằm góp phần tuyên truyền về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng", ngày 07/08/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Việt Nam Chào mừng năm ASEAN". Bộ tem nêu bật ý tưởng của một ASEAN đoàn kết phấn đấu, xây dựng một ASEAN Thịnh vượng, Phát triển và Hòa Bình.

Phát hành bộ tem “Việt Nam Chào mừng năm ASEAN” - Ảnh 1.

Bộ tem "Việt Nam chào mừng năm ASEAN 2020"

Bộ tem gồm 1 mẫu có giá mặt 4.000đ, khuôn khổ 37 x 37mm được thiết kế tràn lề, do họa sĩ Trần Thế Vinh thể hiện. Bộ tem được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính công cộng đến ngày 30/6/2022.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tổ chức này được thành lập ngày 8/8/1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines nhằm biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng các nỗ lực đều đi đến bế tắc vào giữa thập niên 1980.

Phải đợi đến năm 1991, khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do, thì Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN mới hình thành. Hàng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (trừ Đông Timor và Papua New Guinea chưa kết nạp, hiện đang giữ vai trò quan sát viên).

Năm 1992 đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam sau khi tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trở thành Quan sát viên, tham dự các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) hàng năm. Trong thời gian này, Việt Nam cũng bắt đầu tham gia các hoạt động của một số Ủy ban hợp tác chuyên ngành ASEAN. Tháng 7/1994, Việt Nam được mời tham dự cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và trở thành một trong những thành viên sáng lập của Diễn đàn này.

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.

Phát hành bộ tem “Việt Nam Chào mừng năm ASEAN” - Ảnh 2.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN

Đóng góp đầu tiên đáng ghi nhận của Việt Nam trong ASEAN là vai trò tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy kết nạp các nước Lào, Myanma và Campuchia vào ASEAN, qua đó, hoàn tất ý tưởng về một ASEAN gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, chấm dứt thời kỳ chia rẽ giữa các nhóm nước, mở ra giai đoạn hợp tác hữu nghị cùng phát triển ở khu vực.

Sự kiện mang dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998) - chỉ 3 năm sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của ASEAN và trong bối cảnh khu vực đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng, được các nước thành viên ASEAN và dư luận quốc tế nói chung đánh giá cao. Với việc thông qua Chương trình Hành động Hà Nội, Hội nghị Cấp cao ASEAN 6 đã góp phần quan trọng tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh hợp tác, khôi phục hình ảnh ASEAN, đặc biệt định hướng cho sự phát triển và hợp tác của Hiệp Hội trong những năm kế tiếp để thực hiện Tầm nhìn 2020.

Từ tháng 7/2000 - 7/2001, Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF, tổ chức và chủ trì thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (AMM 34), Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 8 (ARF 8), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước Đông Bắc Á (ASEAN +3), Các Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các nước đối thoại (PMC +10) và với từng nước Đối thoại (PMC +1) và Hội nghị sông Hằng - Sông Mê kông vào cuối tháng 7/2001. Trong năm Việt Nam làm chủ tịch, ASEAN và ARF đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục phát triển đúng hướng, phù hợp với lợi ích của từng nước ASEAN và lợi ích của cả khu vực.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới có nhiều biến động. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động đời sống, kinh tế - xã hội toàn cầu. Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực vượt qua thử thách, dẫn dắt Cộng đồng ASEAN kịp thời hành động, chủ động thích ứng, kiểm soát dịch bệnh COVID-19; thúc đẩy hồi phục kinh tế, hợp tác nội khối; xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh theo các mục tiêu đã đặt ra... 

Tất cả những điều này khẳng định bản lĩnh vững vàng của một khối ASEAN đoàn kết và gắn bó, nâng cao vị thế và uy tín của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước